Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục nắm tình hình xuất nhập hàng hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; tìm hiểu những khó khăn, hạn chế để cùng trao đổi để tìm hướng khắc phục, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Cao Bằng đã tích cực trong công tác quản lý, triển khai các giải pháp đảm bảo quản lý chặt chẽ cũng như tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hoá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác liên quan.
Bên cạnh đó, tỉnh cần đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế cửa khẩu trên cơ sở thực hiện Chỉ thị Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Từ đó, có những lộ trình, giải pháp để kịp thời nắm bắt những cơ hội, khắc phục những khó khăn, tồn tại; thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Cao Bằng theo tiêu chí vừa thông suốt vừa an toàn, đặc biệt là bền vững và hiệu quả.
Ông Nguyễn Kiên Cường, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết, 9 tháng năm 2021, tình hình xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa qua cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn ra tương đối ổn định. Từ đầu năm đến ngày 15/9, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của Cao Bằng đạt trên 405 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2020; đạt 83% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 306,68 triệu USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 99,1 triệu USD, tăng 131% so vói cùng kỳ. Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đến 31/12 hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.
Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; kim ngạch xuất nhập khẩu có tăng nhưng chưa ổn định; một số hàng hóa nông sản không xuất khẩu được do phía Trung Quốc có sự chỉ định phân luồng hàng hóa nhập khẩu qua từng cửa khẩu. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng tuy đã được chú trọng đầu tư, nhưng còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các cửa khẩu với nước bạn; hạ tầng thương mại tại các cửa khẩu chỉ có các kho, bến bãi thông thường, chưa thu hút được đầu tư các kho lạnh, khu chế xuất hàng hóa xuất nhập khẩu, siêu thị, trung tâm thương mại,…
Tỉnh Cao Bằng đề nghị các Bộ ngành Trung ương xem xét đưa danh mục Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) và danh mục dự án hỗ trợ kỹ thuật; nghiên cứu khả thi chung về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam để chuẩn bị nghiên cứu các hạng mục đầu tư, các tiểu dự án thành phần trong Khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Đồng thời, xem xét, bố trí nguồn vốn cho tỉnh Cao Bằng để triển khai Dự án Khu trung chuyển hàng hóa nông, lâm, thủy sản tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương thực hiện.
Cùng với đó, Cao Bằng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục chủ động đàm phán với phía Trung Quốc để thống nhất về cơ chế, chính sách chung để phát triển hoạt động thương mại biên giới; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hướng dẫn, điều tiết một số mặt hàng nông, thủy sản đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, giảm ách tắc cục bộ trong xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu của các tỉnh khác.
Mặt khác, tỉnh đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung thêm quy hoạch trung tâm logistics hạng II của tỉnh Cao Bằng tại cửa khẩu Trà Lĩnh; hỗ trợ, phối hợp với tỉnh trong việc rà soát để hoàn thiện hơn nữa quy trình giao nhận thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.