Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành Huỳnh Thế Điểu vui mừng nói, tuy còn đang thi công giai đoạn 2 nhưng trong các trận bão số 5 và số 6 vừa qua, âu neo đậu tàu thuyền An Hòa nằm giữa hai xã Tam Quang và Tam Giang, huyện Núi Thành đón hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào trú ẩn, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Nhờ có âu thuyền này, bà con không phải đưa phương tiện đi tránh trú bão ở nơi khác, gây tốn kém nhiều.
Âu thuyền An Hòa đã được xây dựng hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng từ lâu, song có nhiều bất cập nên chưa thật sự phát huy hiệu quả. Để nâng cao khả năng chắn sóng, giảm thiểu bồi lắng, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào tránh bão, tỉnh Quảng Nam đã tiếp tục đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng giai đoạn 2 cho âu neo đậu tàu thuyền này.
Trong giai đoạn 2, âu neo đậu tàu thuyền An Hòa được xây dựng 2 tuyến đê chắn sóng dài 570 m; gần 700 m bờ kè chống sạt lở, hệ thống đường giao thông nội vùng, nạo vét luồng lạch và gia cố sửa chữa 70 trụ neo hiện có, đảm bảo cho tàu có công suất trên 1000 CV vào trú ẩn an toàn trong mùa mưa bão.
Kỹ sư Huỳnh Phúc Hữu, Chỉ huy công trình âu thuyền An Hòa cho biết, đã thi công được 2/3 tuyến kè chắn sóng là hạng mục quan trọng nhất. Hiện đang tập trung tối đa phương tiện và nhân lực để thi công cơ bản hoàn thiện các hạng mục chính để âu neo đậu tàu thuyền An Hòa đủ khả năng tiếp nhận tàu thuyền vào tránh trú bão trong mùa mưa bão năm nay một cách an toàn nhất có thể.
Mỗi năm ngư dân Quảng Nam khai thác lượng hải sản đạt trên 94 nghìn tấn hải sản các loại. Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Để đảm bảo cho các công trình trọng điểm và âu neo đậu tàu thuyền An Hòa được đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay, bên cạnh giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo giải phóng mặt bằng, nhất là tiến độ thi công nhằm đáp ứng nhu cầu tránh trú bão.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu xây dựng nghề cá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây mới và nâng cấp nhiều công trình dịch vụ hậu cần nghề cá, âu neo đậu trú tránh bão An Hòa và nhiều cảng cá khác.
Việc đầu tư xây dựng các cảng cá ở các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An đều có kết hợp với các dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão. Riêng với âu neo đậu tàu thuyền đang thi công giai đoạn 2 nhưng đã thực sự phát huy tác dụng trong việc tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền của bà con ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, do tính chất bức bách của các công trình trọng điểm, nhất là đối với những công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và tính mạng của nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo theo dõi và chỉ đạo các công trình trọng điểm do các đồng chí trong Ban Thường trực trực tiếp theo dõi và chỉ đạo.
UBND tỉnh cũng thành lập Tổ công tác do một Phó Chủ tịch làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ đôn đốc tiến độ thi công các công trình trọng điểm, công trình đặc thù và vũng neo đậu tàu thuyền là những công trình có ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và tài sản của người dân để đưa vào sử dụng; đảm bảo phát huy hiệu quả trong việc phòng tránh và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra trong mỗi mùa mưa bão.
Với chiều dài hơn 125 km bờ biển, khai thác hải sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Nam. Do đó, bên cạnh nỗ lực xây dựng cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày; việc đầu tư xây dựng thêm các âu thuyền neo đậu tránh trú bão an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại phương tiện trong mỗi mùa mưa bão vừa là nguyện vọng chính đáng, vừa là nhu cầu bức bách của ngư dân./.