Bắt nhịp nhanh với thách thức mới
Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính trong khó khăn các doanh nghiệp lại tìm ra những cơ hội mới, bắt nhịp nhanh với thời cơ kinh doanh mới nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tại Công ty cổ phần nội thất Hoà Phát (thuộc Tập đoàn Hoà Phát), giường và tủ y tế vốn là mặt hàng thứ yếu trong số các sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất từ nhiều năm nay. Khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp này đã linh hoạt chuyển hướng sản xuất, tập trung chủ yếu vào các thiết bị gường tủ, y tế.
Ông Phạm Quang Vũ, Phó giám đốc nhà máy tủ sắt, Công ty cổ phần nội thất Hòa Phát cho biết, Ban lãnh đạo Công ty đã có những điều chỉnh phù hợp trong cơ cấu sản xuất khi dịch COVID-19 bùng phát. Đó là tập trung sản xuất các mặt hàng như gường, tủ y tế phục vụ chống dịch, đồng thời giảm sản xuất các mặt hàng không thiết yếu để tránh tồn kho.
Nhờ vậy, công suất hoạt động của nhà máy đã phải tăng lên 200% để phục vụ nhu cầu trong đại dịch. Sản phẩm gường và tủ y tế của công ty được tiêu thụ nhiều trong nước và xuất khẩu.
Còn tại Công ty cổ phần Công nghệ cao Traphaco đóng trên địa bàn huyện Văn Lâm, doanh nghiệp có tới 70% lao động sinh sống tại Hà Nội hàng ngày đến làm việc tại công ty. Khi Hà Nội bùng phát dịch và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, việc đi lại gặp khó khăn nên doanh nghiệp đã có phương án sản xuất 3 tại chỗ đối với các trường hợp này. Nhờ đó, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp được duy trì và đảm bảo kế hoạch.
Ông Nguyễn Duy Ký, Phó giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Traphaco cho biết, thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" đã góp phần đảm bảo năng suất lao động, hạn chế được dịch bệnh lây lan và đảm bảo đầu ra của doanh nghiệp, đảm bảo được mục tiêu của công ty đề ra.
Trên địa bàn huyện Văn Lâm hiện có trên 1.000 doanh nghiệp, với hơn 1.000 công nhân sinh sống tại Hà Nội hàng ngày đến làm việc. Để đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy, huyện Văn Lâm đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động nhưng đảm bảo phòng chống dịch đúng quy định. Cụ thể, các doanh nghiệp, nhà máy có lao động hàng ngày đi về Hà Nội phải thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc ở lại địa bàn. Do đó, đến nay các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Văn Lâm vẫn duy trì sản xuất và không có doanh nghiệp nào phải ngừng hoạt động vì dịch COVID-19.
Những nỗ lực đó của các doanh nghiệp đã được thể hiện bằng con số. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, thu ngân sách nội địa của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tỉnh 9 tháng năm 2021 ước đạt 1.800 tỷ đồng, đạt 72 % kế hoạch đề ra cả năm.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng số dự án đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 407 dự án, chiếm 85 % tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực. Tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hiện nay khoảng 65.000 lao động.
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên luôn hỗ trợ và tạo cơ chế thông thoáng, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời vướng mắc, cùng doanh nghiệp vượt khó để ổn định sản xuất. Với những cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 13,1 nghìn doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký đạt hơn 141,7 nghìn tỷ đồng. Đến nay, tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh; tự cân đối và có điều tiết ngân sách về Trung ương từ năm 2017.
Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng chung của quốc gia, địa phương, nhân dân và lợi ích của doanh nghiệp. Tỉnh tạo lập môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và an toàn. Do vậy, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực về mặt bằng, cơ hội đầu tư, giảm thiểu tối đa chi phí không chính thức, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cũng khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và tôn trọng lợi ích của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phản ánh kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước, UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với chính quyền, phản ánh kịp thời và đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị các doanh nghiệp trong tỉnh khắc phục khó khăn, kiên trì phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, tập trung sản xuất, kinh doanh; từng bước đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho ngân sách, cho xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ cải cách hành chính, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả Đề án cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên năm 2021; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng./.