Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng với số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ từ 20 - 40%, năng suất lao động giảm mạnh mà nông dân cũng hạn chế tái sản xuất. Điển hình như cá tra, diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7, 8 đã giảm khoảng 50 - 55% so với các tháng trước. Sản lượng cá tra thu hoạch trong 2 tháng cũng giảm tương ứng 20% và 44,9% so với tháng 7, 8 của năm 2020. Đặc biệt nửa tháng đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm tới 77% so với cùng kỳ.
Không chỉ riêng cá tra, khâu nuôi trồng các đối tượng nuôi thủy sản khác cũng gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ giảm, giá thức ăn tăng, thiếu công nhân thu hoạch. Vận chuyển con giống, thức ăn, sản phẩm cá tra giữa các địa phương gặp khó khăn, phát sinh chi phí xét nghiệm COVID-19, nguy cơ thiếu nguyên liệu trong những tháng cuối năm cao.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang đứng trước ngưỡng khôi phục sản xuất. Muốn khôi phục được, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, kiến nghị mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Bà Trương Thị Lệ Khanh cho rằng, ngành sản xuất cá tra sản xuất trải dài tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên cần có cơ chế chính sách liên tỉnh có tầm nhìn chung để giúp doanh nghiệp thực hiện. Công nhận thẻ xanh công nhân liên tỉnh, đơn giản thủ tục và rút ngắn cấp phép di chuyển, tạo thuận lợi cho lượng lượng lao động trong chuỗi...
Ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn do nằm trọn tại các địa phương vừa qua phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cơ hội phục hồi chuỗi cá tra xuất khẩu vẫn cao. Bởi bên cạnh năng lực chế biến, thị trường xuất khẩu rộng thì ngành hàng này đã quy mô sản xuất và liên kết chuỗi. Đó là tương đối chủ động được con giống, vật tư, công nghệ làm giống, nuôi thương phẩm; quy mô sản xuất nguyên liệu tập trung, sản lượng lớn; mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi tương đối đủ để gắn kết với cơ sở chế biến, truy xuất nguồn gốc.
Với các ngành hàng khác, dù cũng gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng với khả năng chế biến, phân phối hàng tốt nên nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu sản phẩm đầu vào cao. Điển hình như, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) có tận 4 nhà máy chế biến, nhưng mới chỉ có 11.000 ha trồng chanh leo ở Tây Nguyên và doanh nghiệp sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Tây Nguyên là nơi được thiên nhiên ưu đãi có khả năng sản xuất được nông sản chất lượng cao, đặc biệt là trái cây, nhưng nhiều sản phẩm lại gặp khó trong tiêu thụ như trong đợt dịch vừa qua. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT DOVECO mong muốn các địa phương, các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn. DOVECO cũng đang có nhu cầu số lượng lớn đối các loại hoa quả như xoài Đài Loan, xoài keo, bơ… Doanh nghiệp sắn sàng cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm.
Đã đưa sản phẩm sầu riêng xuất khẩu sang nhiều thị trường, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu mong muốn có được nguồn cung ổn định ở Đắk Lắk trong mùa vụ tới. Với tham vọng xây dựng thương hiệu sản phẩm sầu riêng OCOP 5 sao, doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng các hợp tác xã trong tư vấn kỹ thuật, chịu trách nhiệm về vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết, tạo nguồn cung ổn định để thúc đẩy xuất khẩu.
Hay Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam dự kiến đến cuối năm nay sẽ có tổng số 1000 cửa hàng/siêu thị Nutri Mart đi vào hoạt động và đến năm 2025, quy mô của chuỗi sẽ đạt mốc 10.000 cửa hàng/siêu thị. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam mong muốn các sản phẩm nông sản của Việt Nam thực sự có vị trí trên kệ siêu thị cả trong nước và quốc tế.
Doanh nghiệp muốn liên kết trực tiếp với các hộ kinh doanh, hợp tác xã, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Bởi doanh nghiệp vẫn đang thiếu rất nhiều nhà cung cấp để đưa sản phẩm hệ thống. Sản phẩm của các đơn vị chỉ cần đạt chất lượng và tuân thủ quy định của Nhà nước là có thể vào hệ thống siêu thị mà không phải trả bất cứ chi phí nào.
Bên cạnh những nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, địa phương, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 26/CT-TTg thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Phùng Đức Tiến cho biết, điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch COVID-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.
Chăn nuôi cuối năm thường rất dễ gặp phải dịch bệnh phức tạp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương phải đặc biệt có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm... Địa phương tiếp tục chính sách hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học nhằm ổn định thị trường và giá cả thịt lợn.
Ngành theo dõi sát nhu cầu thị trường, diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để kịp thời phối hợp với địa phương, doanh nghiệp triển khai các biện pháp không để tình trạng tăng đột biến về giá và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi. Tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, kiểm soát an toàn thực phẩm.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động bố trí cán bộ luân phiên thực hiện “3 tại chỗ” tại các đơn vị cửa khẩu, các địa điểm kiểm tra tại gốc để tránh gián đoạn kiểm tra kiểm dịch thực vật.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát lại các doanh nghiệp, hợp tác xã trong 4 nhóm ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp ở các tỉnh, thành, đặc biệt là các nơi giãn cách. Trên cơ sở thống kê năng lực sản xuất, cung ứng hiện tại, bộ sẽ có kế hoạch chuẩn bị giống, vật tư đầu vào, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vaccine cho vụ sản xuất mới. Sau khi nắm tình hình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức những hội nghị chuyên đề về các vấn đề cụ thể, để tập trung tháo gỡ khó khăn cho từng ngành./.