Dự báo nguồn nước cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn

01/10/2021 20:58

Sáng 1/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến Sơ kết sản xuất cây trồng vụ Thu Đông, Mùa và năm 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Vụ Đông Xuân này, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa sẽ gặp nhiều khó khăn.

vna-potal-hoi-nghi-so-ket-san-xuat-trong-trot-vu-thu-dong-mua-nam-2021-stand-1-1633085004.jpg
Quang cảnh Hội nghị ở điểm cầu họp trực tuyến tại thành phố Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN.

Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn vùng Nam Bộ dự kiến gieo sạ 1,6 triệu ha, tăng 2 nghìn ha; năng suất dự kiến 71,51 tạ/ha và sản lượng 11.438 nghìn tấn, giảm 11 nghìn tấn so với Đông Xuân 2020-2021.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ lúa vụ Đông Xuân rất quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bố trí mùa vụ sản xuất trong cả năm. Việc bố trí thời vụ lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 cần căn cứ vào thực tế sản xuất vụ Thu Đông 2021 và việc sắp xếp thời vụ sản xuất lúa của năm 2022; thời gian cung cấp nước ngọt, lượng nước có khả năng phục vụ tưới cho sản xuất lúa; tình hình tiêu thụ lúa, gạo những tháng đầu năm 2022...

Chỉ bố trí sản xuất lúa Đông Xuân 2021-2022 ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa, ông Lê Thanh Tùng lưu ý.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thời vụ xuống giống sớm từ ngày 10 - 30/10/2021 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ là vùng ven biển Nam bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang với khoảng 400.000 ha chiếm khoảng 26% diện tích vụ Đông Xuân. Đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để né mặn.

Do đó, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn mặn năm 2015-2016.

Bên cạnh đó, việc xuống giống lúa Đông Xuân sẽ có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. Lúa thu hoạch vào tháng 1, 2 và 3 nằm trong thời kỳ khô, nắng sẽ cho chất lượng ổn định.

Chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, các địa phương cần nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng. Sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra sớm hơn, đề nghị ngành trồng trọt cần mạnh dạn điều chỉnh vụ Đông Xuân ổn định theo hướng sớm, gieo sạ từ tháng 10, hạn chế gieo sạ trong tháng 12.

Là tỉnh ở nguồn của sông Mekong nên bị ảnh hưởng mặn lớn, ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tích cực sửa chữa hệ thống bơm, các cống; đưa vào sử dụng các cống xung yếu; nạo vét kênh mương, tích ngọt vào các kênh mương… Nhờ các công trình được đầu tư sẽ kéo thời gian vụ gieo cấy đợt 1 thêm 10 ngày. Tỉnh xây dựng thời vụ với 3 đợt gieo cấy, đợt 1 sẽ gieo cấy trước ngày 15/10.  Với lợi thế lúa ST, bà con nông dân sẽ có lợi nhuận cao, tỉnh đẩy mạnh sản xuất giống lúa này. Vụ Đông Xuân tới, Sở tiếp tục duy trì đường dây nóng với sự tham gia của lãnh đạo Sở để chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ.

vna-potal-hoi-nghi-so-ket-san-xuat-trong-trot-vu-thu-dong-mua-nam-2021-stand-1633084896.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, thời vụ vụ Đông Xuân hơi muộn nên các địa phương cần thu hoạch nhanh gọn lúa Thu Đông, Mùa, tranh thủ thời gian đẩy nhanh trong thu hoạch để tổ chức sản xuất kịp thời vụ. Đặc biệt với khoảng 400.000 ha ở các địa phương ven biển phải gieo cấy xong trong tháng 10, đồng thời ưu tiên giống ngắn ngày.

Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp có nhiều biến động và ở mức cao, Bộ đã có nhiều cuộc họp với các bộ, ngành để tìm giải pháp nhưng có bản do tình hình chung thế giới, chi phí vận chuyển cao. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, tổ chức triển khai mạnh mẽ và liên tục, tránh tình trạng lợi dụng "tranh tối tranh sáng" làm tăng chi phí của nông dân. Các địa phương cũng lưu ý phổ biến, tuyên truyền các giải pháp sản xuất để giảm chi phí. 

Vụ Thu Đông 2021 các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 714,6 nghìn ha, đạt 102% kế hoạch và giảm 9,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 56,0 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha và sản lượng ước đạt 4.005 nghìn tấn, giảm 22 nghìn tấn.

Vụ Thu Đông năm nay xuống giống chậm hơn vụ Thu Đông 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19, lúa Hè Thu thu hoạch kéo dài. Một số địa phương đã giảm diện tích hoặc cắt vụ Thu Đông để chuyển sang gieo sạ Đông Xuân sớm nhằm tránh hạn hán, xâm nhập mặn vào cuối mùa vụ.

Bích Hồng
You are reading the article "Dự báo nguồn nước cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn" in category News. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0977.381.982) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.kinhtexanh@gmail.com).