* Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Tuần qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, mức hỗ trợ từ 1,8 triệu đến 3,3 triệu đồng/người trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Nguồn kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Bên cạnh đó, giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tại văn bản số 6858/VPCP-KTTH ngày 24/09/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt của Bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (Tổ công tác).
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối tượng áp dụng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm (người thuê đất).
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Quyết định nêu rõ: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất quy định ở trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có).
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 7036/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Về vấn đề công nhận “Hộ chiếu vaccine” giữa Việt Nam với các quốc gia, văn bản 6891/VPCP-KGVX nêu rõ, trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine”.
Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1. Dự kiến thực hiện từ ngày 5/10 tới. Kế hoạch này đang lấy ý kiến các địa phương để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định 1740/QĐ-BGTVT về việc hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2021.
Mục đích của việc ban hành hướng dẫn này nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Trong tuần qua, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1921/QĐ-BTC bổ sung mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu tại danh mục các mặt hàng được miễn thuế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Các mặt hàng này được bổ sung vào danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra được ban hành kèm theo Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 7/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến. Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Phương án sơ bộ triển khai gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên. Đồng thời, tổ chức cuộc họp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia trao đổi về gói tín dụng này.
Về cơ bản các bộ, ngành đều thống nhất sự cần thiết phải hỗ trợ cho đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Đối tượng vay vốn là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là con trong gia đình có bố hoặc mẹ mất do dịch COVID-19 và chưa có máy tính để học tập trực tuyến. Cụ thể, đối tượng học sinh, sinh viên khó khăn được hỗ trợ bám sát theo chủ trương hỗ trợ của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
* Hà Nội chưa muốn tiếp nhận chuyến bay nội địa
Tuần vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị kiểm soát các chuyến bay, chuyến tàu đến Hà Nội. Để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Cục Đường sắt Việt Nam dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội, trừ trường hợp phục vụ công tác công vụ, nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, vận chuyển hàng hóa hoặc tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về khi có sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.
Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị vận tải, người trên phương tiện thực hiện quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, người điều khiển phương tiện, người bốc dỡ hàng hóa vào Hà Nội phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng chống COVID-19 mới được phép vận chuyển, giao nhận hàng hóa trên địa bàn Hà Nội.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp, hỗ trợ người dân lưu thông trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố và ngược lại.
Theo đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chốt kiểm soát tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu cấp thiết di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố và ngược lại; chỉ đạo các đơn vị tham gia vận chuyển chấp hành nghiêm phương án phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
Các trường hợp được lưu thông là người đi khám, chữa bệnh; người dân Tp. Hồ Chí Minh từ các tỉnh, thành phố khác trở về Thành phố; người dân đi từ Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác; người từ các tỉnh, thành phố khác đến Tp. Hồ Chí Minh trong một số trường hợp cấp bách.
Bên cạnh đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An xem xét, thống nhất phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. Thời gian thực hiện từ ngày 4/10.
Để chuẩn bị cho việc tái mở cửa lại hoạt động thương mại, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố; trong đó có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kênh bán lẻ hiện đại và cả mạng lưới chợ truyền thống.
Đồng hành cùng chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và ngành công thương, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ, cơ sở sản xuất kinh doanh... tại "vùng xanh" được phép mở cửa bán buôn đã triển khai linh hoạt mô hình kinh doanh doanh để bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng mới trên thị trường.
Tp. Hồ Chí Minh đang nghiêm cứu, xem xét dự thảo về kế hoạch sẽ mở lại nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại) sau ngày 30/9/2021. Lộ trình mở lại kênh bán lẻ, phân phối không nằm ngoài mục tiêu tạo điều kiện cho người dân mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm... từ đó từng bước cân đối cung cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
Tại Bình Dương, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp chủ động trong việc tự mua kit Test, tự tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho công nhân, người lao động; đồng thời doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ và tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm trước pháp luật.
Nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn từng bước khôi phục sản xuất gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, UBND tỉnh Tiền Giang triển khai kế hoạch khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn từ tháng 10/2021 đến sau ngày 1/1/2022 theo ba giai đoạn.
Cụ thể, từ ngày 1 - 31/10/2021 là giai đoạn vừa nâng cao phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đối tượng được hoạt động là các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hoặc đang bố trí lao động tại doanh nghiệp để thực hiện các công việc cần thiết và xuất khẩu hàng hóa; các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “một cung đường hai địa điểm”; các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dưới 50 lao động.
Từ ngày 1/11/2021 - 31/12/2021, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tiếp tục được hoạt động. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thiết yếu được khôi phục hoạt động theo mức độ và tỷ lệ tiêm ngừa vaccine; các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển đổi từ thực hiện phương án “3 tại chỗ” sang các mô hình khác.
Từ ngày 1/1/2022 trở đi, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định và bước vào giai đoạn bình thường mới thì tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại với điều kiện chỉ sử dụng người lao động hoàn thành tiêm đủ hai mũi vaccine.