Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng thời điểm này nên có thêm những gói hỗ trợ như gợi ý của Quốc hội để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Theo đó, để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến 2 mục tiêu. Cụ thể, mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Bởi, lạm phát là gốc của ổn định vĩ mô, không đạt mục tiêu này thì không những các mục tiêu khác không hoàn thành mà còn tác dụng ngược.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, đến nay vẫn chưa có Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về gói này nên cần chờ thêm thời gian nữa.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, khi gói cấp bù lãi suất được triển khai Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành thực hiện một cách phù hợp.
Trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 - 65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, rút kinh nghiệm lần trước, tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán tới 2 mục tiêu quan trọng là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Vì vậy, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình để triển khai gói hỗ trợ này.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tính đến ngày 7/10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%); trong đó, một số lĩnh vực tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế như lĩnh vực rủi ro, song Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát chặt các lĩnh vực này. Ngược lại, một số lĩnh vực tốc độ tăng trưởng của tín dụng giảm so với cùng kỳ như BOT, BT./.