Tại đại hội toàn quốc của đảng Bảo thủ diễn ra từ ngày 3-6/10 ở thành phố Manchester, Thủ tướng Anh dự kiến sẽ đưa cam kết trước đảng cầm quyền này về kế hoạch tăng đáng kể đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạt nhân khi Anh đối mặt với cuộc khủng hoảng do giá khí đốt tăng cao. Ông Johnson cho rằng việc sử dụng điện từ các nguồn xanh sẽ là bước tiến quan trọng thúc đẩy tham vọng của Chính phủ Anh nhằm đưa phát thải khí carbon ròng về mức 0 vào năm 2050 và giảm mức độ biến động giá khí đốt.
Năm 2020, các nguồn năng lượng tái tạo đã đáp ứng được 43% nhu cầu điện của Anh; trong khi đó khí đốt, dầu và than đá đóng góp khoảng 40% và số còn lại sử dụng từ nguồn điện hạt nhân. Để đạt được mục tiêu tham vọng kể trên, Anh cần thúc đẩy đáng kể tăng trưởng sản xuất điện gió ngoài khơi và công suất điện hạt nhân để đảm bảo cung cấp đủ điện năng cơ sở, thích ứng với những thay đổi trong cả cung và cầu điện năng. Điều này có nghĩa là Anh phải tăng lượng điện gió ngoài khơi tối thiểu gấp 4 lần so với mức hiện tại trong thập kỷ tới.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo The Times, Thủ tướng Johnson nói rằng Chính phủ sẽ Anh “giải quyết chi phí điện và năng lượng” bằng cách tăng cường sản xuất năng lượng sạch. Chính phủ Anh đang ngày càng lo ngại nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong mùa Đông này, một phần do giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Giới hạn giá năng lượng đã tăng 139 bảng vào tuần trước và dự kiến sẽ còn tăng tiếp vào mùa Xuân tới. Thủ tướng Johnson cho rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ bảo vệ người tiêu dùng trước những biến động giá khí đốt và giảm gánh nặng chi phí điện trong dài hạn.
Trước đó, Chính phủ Anh cam kết tăng sản lượng điện gió ngoài khơi của Anh từ 10 GW điện mỗi năm - đủ cung cấp cho mười triệu ngôi nhà - lên 40GW vào cuối thập kỷ này và có thể sẽ đặt tham vọng tiến xa hơn với mục tiêu đạt 60 GW một năm.
Ông Joss Garman, thuộc Tổ chức Khí hậu châu Âu, cho rằng động thái của Thủ tướng Johnson là rất quan trọng trước Hội nghị các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Scotland. Theo ông Garman, tuyên bố của Thủ tướng Johnson sẽ đưa nước Anh vào một chặng đường dài nhưng đúng hướng để đạt mục tiêu đưa lượng phát thải khí carbon ròng về 0 và giúp chấm dứt tình trạng hàng triệu hộ gia đình phải chịu ảnh hưởng khi giá khí đốt biến động.
Cùng với đó, Mỹ và Canada cũng cam kết không phát thải khí carbon từ sản xuất điện vào năm 2035, qua đó thúc đẩy triển vọng cho hội nghị COP26. Cam kết mới của Thủ tướng Johnson cũng sẽ là một phần trọng tâm trong chương trình nghị sự tại hội nghị COP29 mà Anh chủ trì. Ngoài ra, việc Anh đưa cam kết mạnh mẽ cũng được cho là sẽ gây thêm áp lực cho các nước phát triển khác trong việc đưa ra các cam kết mới, tham vọng hơn trước thềm hội nghị.