Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và kéo dài, hầu hết các chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đều có xu hướng tăng cao, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn trong chăn nuôi, thú y …Trong khi đó, đầu ra có xu hướng ngược lại khiến ngành nông nghiệp nói chung, tỉnh BR-VT nói riêng bị tác động nặng nề.
Dù ngành chức năng và nông dân trên địa bàn đã hết sức nỗ lực, xoay chuyển để thích ứng, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của các ngành trồng trọt, chăn nuôi đều chưa đạt so với chỉ tiêu kế hoạch năm.
Giá đầu vào tăng chóng mặt
Thời điểm này mọi năm, ông Nguyễn Minh Lý, ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ thả nuôi hơn 3.000 con gà để phục vụ thị trường Tết. Nhưng năm nay, dịch covid-19 bùng phát và kéo dài, giá thức ăn chăn nuôi, chi phí vận chuyển tăng lên. Do vậy, buộc ông phải cân nhắc chỉ thả nuôi hơn 2.000 con giống.
Ông Nguyễn Minh Lý, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, cho biết giá cám gà hiện tăng 20-30%, giá gà thương phẩm lại giảm mạnh, khiến lợi nhuận của người nuôi giảm 30%, nhiều người n uôi thua lỗ nặng. Đã vậy, tất cả các đại lý cám đều thu tiền mặt, không cho nợ gối đầu nữa.
Ông Nguyễn Văn Tam, xã Bình Ba, huyện Châu Đức – người có trên 15 năm nuôi gà - khẳng định, chưa năm nào chăn nuôi chồng chất khó khăn như năm nay. Chỉ những hộ nuôi từ 9-10 ngàn con trở lên, đồng thời là đại lý cấp 1 trong việc phân phối thức ăn chăn nuôi mới mạnh dạn tái đàn.
Theo thống kê bước đầu, tại BR-VT đến nay vẫn còn hơn 20% hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa dám tái đàn. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn không ngừng tăng, thị trường tiêu thụ vẫn chưa thông. Nguy cơ người chăn nuôi bỏ trống chuồng trại và thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nguồn cung cho thị trường thịt gia súc, gia cầm dịp tết Nguyên đán là khó tránh khỏi.
Đầu ra chưa thông
Ngay từ khai tỉnh nới lỏng giãn cách, triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi đều chủ động tái sản xuất. Hơn 2 tháng phải dừng sản xuất vì dịch covid-19, ngay sau khi huyện Xuyên Mộc nới lỏng giãn cách, trang trại rau thủy canh Lâm Viên farm của gia đình anh Lâm Trọng Tuấn, ở thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc cũng đang khởi động lại. Trang trại đã triển khai vụ rau đầu tiên và đạt sản lượng hơn 2 tấn sản phẩm gồm: rau ăn lá, cà chua, dưa leo. Việc xuất bán cho khách hàng nội tỉnh cũng khá thuận lợi. Hiện trang trại đang đang xuống giống vụ rau thứ 2 và đã được khách hàng đặt mua trước. Anh Lâm Trọng Tuấn cho biết, nhờ chủ động chuẩn bị trước nên việc khôi phục sản xuất cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, đầu ra vẫn chưa thông, do giao thông liên tỉnh vẫn chưa kết nối, nên việc vận chuyển hàng hóa còn nhiều khó khăn.
Tương tự, hơn 2 tháng qua HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, TP.Bà Rịa cũng chịu nhiều tác động do đại dịch covid-19. HTX nuôi tôm bằng công nghệ RAS, với sản lượng xuất khẩu khoảng 2 tấn/ngày. Dịch COVID-19 bùng phát, đầu ra bị nghẽn, HTX phải bán theo những đơn hàng nhỏ lẻ 1-2 tạ, thậm chí vài kg/đơn hàng.
Những ngày qua, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng cũng đang nỗ lực khởi động, sửa sang lại ao nuôi, chuẩn bị xuống giống tôm đợt mới với hy vọng đầu ra sẽ không còn bị nghẽn mạch như thời gian qua.
Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, trăn trở: “Dịch thì không biết chừng nào mới hết, nên mình cứ tổ chức sản xuất, thực hiện đúng chủ trương “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, khó tới đâu thì mình gỡ tới đó, chứ chờ đến khi dịch hết hẳn thì đến bao giờ…”.
Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch covid-19, tốc độ tăng trưởng của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản trên địa bàn BRVT đều đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch năm. 9 tháng đầu năm 2021 giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chăn nuôi và ngư nghiệp của tỉnh chỉ tăng từ 3,15 - 3,79% so cùng kỳ năm 2020, trong khi chỉ tiêu kế hoạch các ngành đặt ra: với trồng trọt phải đạt 4,02%; chăn nuôi đạt 4,53% và ngư nghiệp đạt 4,2%.
Dịch covid-19 đang được kiểm soát, BR-VT đang từng bước phục hồi kinh tế nói chung và sản xuất NN nói riêng. Thế nhưng, trong tình hình khó khăn này, mục tiêu đưa ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,39% trong năm 2021 theo kế hoạch là điều không dễ.