Ở cực Tây của Úc, trong Vịnh Cá Mập, có ít nhất 28 loài cá mập sinh sống và bơi lội qua làn nước trong vắt và những đồng cỏ biển lớn nhất thế giới. Cá mập hổ nói riêng là những sinh vật thường xuyên lui tới các cửa sông lởm chởm của Vịnh Cá Mập. Những chiến binh săn mồi khổng lồ này có thể lướt cơ thể dài tới 4.5 mét qua thảm cỏ biển, và vồ lấy một con bò biển đang gặm cỏ để làm bữa ăn lý tưởng. Mặc dù sự hiện diện của cá mập hổ là mối đe dọa đối với con mồi của chúng, nhưng những kẻ săn mồi này rất quan trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái biển.
Trên thực tế, bất chấp sự khét tiếng của cá mập đối với con người, chúng có thể là một đồng minh vững chắc trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu.
Để nói về đồng cỏ biển, những sợi cỏ mềm mại là nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật như bò biển, cá nược, lợn biển và rùa biển xanh, mỗi cá thể có thể tiêu thụ tới 40kg cỏ biển mỗi ngày.
Bò biển có thể thể nặng tới 500kg và là nguồn thức ăn dồi dào cho cá mập hổ. Bằng cách kiểm soát quần thể bò biển, cá mập hổ ở Vịnh Cá Mập đã giúp các đồng cỏ biển phát triển mạnh mẽ. Một đồng cỏ biển phát triển mạnh có thể lưu trữ gấp đôi lượng CO2 trên mỗi dặm vuông so với các khu rừng trên đất liền.
Nhưng trên toàn cầu, số lượng cá mập hổ đang suy giảm, bao gồm cả ở Úc. Ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Queensland của Úc, người ta ước tính số lượng cá mập hổ đã giảm ít nhất 71%, phần lớn là hậu quả của việc đánh bắt quá mức. Số lượng cá mập hổ giảm đi đồng nghĩa với việc động vật ăn cỏ sẽ tiêu thụ cỏ biển nhiều hơn, đồng nghĩa với việc lượng cacbon có thể lưu trữ bởi thảm cỏ biển cũng ít dần. Ở vùng biển Ca-ri-bê và Indonesia, nơi quần thể cá mập đang giảm dần, việc các loài ăn cỏ như rùa biển được chăn thả quá mức đã trở thành một mối đe dọa sâu sắc đối với môi trường sống của cỏ biển, dẫn tới việc cỏ biển đã biến mất 90 đến 100%.
Đồng thời, việc ít cacbon được hấp thụ hơn, dẫn tới việc cỏ biển biến mất làm cho môi trường sống ít có khả năng phục hồi sau các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, chẳng hạn như sóng nhiệt.
Một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất của phía Tây nước Úc xảy ra vào năm 2011, với nhiệt độ nước biển tăng 5 độ C trong hai tháng. Đợt nắng nóng này vô cùng thảm khốc đối với Amphibolis antartica – loại cỏ biển chiếm diện tích lớn nhất của vịnh, giúp hình thành những đồng cỏ đa dạng, dày đặc, chứa trầm tích và cung cấp thức ăn cho các loài ăn cỏ. Hơn 90% diện tích của Amphibolis antartica đã biến mất – mức lớn nhất được thống kê trên toàn vịnh.
Ngược lại, sự biến mất của loài cỏ này lại là một sự thích thú đối với những con bò biển của vịnh. Loài sinh vật này thích một loại cỏ biển nhiệt đới nhỏ hơn và khó tìm hơn, thường bị che phủ bởi loại cỏ Amphibolis antartica cao và rậm rạp. Khi cỏ biển nhiệt đới trở nên dễ tiếp cận hơn, những con bò biển sẽ nhiệt tình tiêu thụ loại cỏ này theo cách phá hoại mà giới khoa học gọi là “khai quật kiếm ăn” – đào lấy thân rễ của loài cỏ biển nhỏ và khiến cho loài cỏ Amphibolis antartica khó cải tạo và khôi phục hơn.
Trong Vịnh Cá Mập, những con cá mập hổ đã phần nào có thể khôi phục lại sự cân bằng bằng cách giữ số lượng bò biển thấp, và không để cho tất cả cỏ biển của vịnh bị xóa sổ. Nhưng nó dấy lên câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu cá mập không xuất hiện ở vịnh – liệu hệ sinh thái của loại cỏ Amphibolis có tồn tại được không?”
Để tìm hiểu, một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Rob Nowicki của trường Đại học Florida, Miami, đã dành phần lớn thời gian ở miền Đông nước Úc, nơi mà số lượng cá mập thấp hơn và bò biển phần lớn không phải chịu sự truy bắt. Ở đó, các thợ lặn đã đi xuống và nhổ cỏ biển, mô phỏng hành động gặm cỏ của những con bò biển khi không có kẻ thù nào ngăn cản chúng. Chắc chắn, họ đã quan sát thấy sự suy giảm nhanh chóng về độ che phủ của cỏ biển, phần lớn là của Amphibolis antartica, và hệ sinh thái bắt đầu chuyển sang một bức tranh nhiệt đới hơn dưới sự thống trị của cỏ biển nhiệt đới.
Nowicki cho biết: “Chúng tôi biết được rằng, khi không được kiểm soát, bò biển có thể nhanh chóng phá hủy các khu vực cỏ biển rộng lớn khi chúng đi kiếm ăn. Khi cỏ biển hồi phục, những thảm cỏ biển trông khác đi, với các loại khác nhau chiếm ưu thế hơn trước.”
Những phát hiện đó nhấn mạnh vai trò của cá mập trong Vịnh Cá Mập. Nowicki nói: “Nếu không có cá mập hổ kiểm soát bò biển, vịnh có khả năng sẽ bị bao phủ phần lớn bởi cỏ biển nhiệt đới.”
Nhóm nghiên cứu của Nowicki kết luận, nếu quần thể cá mập tiếp tục suy giảm với tốc độ như hiện tại trên toàn thế giới, khả năng phục hồi của hệ sinh thái đại dương giàu cacbon đối với các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, ví dụ như sóng nhiệt, có thể sẽ bị tổn hại.
Becca Selden, trợ lý giáo sư ngành khoa học sinh học tại Đại học Wellesley, cho biết hậu quả đối với Vịnh Cá Mập có thể nặng nề hơn nhiều do sự độc đáo của hệ sinh thái. Selden giải thích: “Hiệu quả mạnh mẽ có thể đã được tăng cường nhờ lưới thức ăn tương đối đơn giản của nó trong hệ sinh thái cỏ biển, nơi những kẻ săn mồi hạn chế được việc gặm cỏ của các loài bò biển.” Nói cách khác, các hệ sinh thái ven biển khác có thể không rơi vào tình trạng quá tệ như Vịnh Cá Mập khi phải chịu áp lực tương tự.
Ngoài việc giữ số lượng bò biển thấp và làm cho hệ sinh thái cỏ biển trở nên bền vững hơn, cá mập hổ cũng đóng một vai trò quan trọng khác trong việc duy trì sức khỏe của môi trường sống. Chúng hoạt động như phân bón giàu dưỡng chất khi chúng đi nặng và khi chúng chết trên thềm cỏ biển.
Selden cho biết: “Các động vật có xương sống có tuổi thọ lâu đời có thể hoạt động như những bể chứa cacbon khi cacbon tiêu thụ ở bề mặt đại dương được chuyển xuống dưới đại dương sâu khi phân và/hoặc xác chết rơi xuống đáy đại dương.”
Hiện tượng này, được biết đến là ‘chìm cacbon’, được xác định rõ ràng nhất ở những con cá voi, nhưng có nghiên cứu cho thấy hiện tượng tương tự cũng được nhìn thấy ở cá mập.
Một nghiên cứu do Jessica Williams – người đứng đầu Đại học Hoàng gia London – đã phát hiện ra rằng cá mập rạn san hô xám, thường được tìm thấy trong các hệ sinh thái rạn san hô cạn, chuyển các chất dinh dưỡng như nitơ đến môi trường sống của chúng qua phân. Họ ước tính rằng quần thể hơn 8.000 con cá mập xám ở Palmyra Atoll đã cung cấp khoarg 94,5kg nitơ mỗi ngày.
Vì cá mập hổ ở Vịnh Cá Mập dành nhiều thời gian để săn mồi và di chuyển qua các thảm cỏ biển, nên có khả năng chúng mang lại lợi ích phân bón tương tự cho những loài thực vật đó. Selden nói: “Những con cá mập nổi to lớn có thể là mắt xích quan trọng nhất vào hiệu ứng này, bao gồm cả cá mập xanh, cá mập mako vây ngắn và cá đầu búa.”
Khi nói đến việc thúc đẩy số lượng cá mập, các nhà bảo tồn phải chống lại một đối thủ đáng gờm – ngành đánh bắt cá.
Theo Nowicki và Selden, đã có một phong trào hướng tới đánh bắt bền vững hơn, nhưng phần lớn ngành công nghiệp này đã không sửa đổi phương pháp của mình. Đây là lý do chính khiến nhiều loài săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn ở biển tiếp tục suy giảm. Mức độ nghiêm ngặt khác nhau của luật bảo vệ động vật giữa các quốc gia khác nhau cũng đóng góp một phần.
Nowicki cho biết: “Vì nhiều loài cá săn mồi ở phạm vi rộng nên chúng có thể đi tới các khu vực tài phán của nhiều quốc gia, một số nước có thể không bảo vệ chúng hoặc không thực hiện các hoạt động đánh bắt bền vững.”
Giảm đánh bắt bất hợp pháp và không bền vững là một cuộc chiến khó khăn, mặc dù người tiêu dùng đang trở nên có ý thức hơn về môi trường và lựa chọn nghề cá bền vững hơn là không bền vững.
“Quản lý thủy sản bền vững, có phối hợp, dựa trên hệ sinh thái là công cụ chính để bảo tồn những loài săn mồi này và vai trò sinh thái của chúng. Người dân hàng ngày có thể làm điều này bằng cách tìm hiểu thông tin, đọc về khoa học, yêu cầu nghề cá trở nên hoặc duy trì bền vững và đưa ra quyết định mua thủy sản bền vững.
Ngoài việc hỗ trợ đánh bắt bền vững, Nowicki cho biết cách duy nhất để thực sự bảo vệ sinh vật biển là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu của chúng ta. “Cuối cùng, nếu chúng ta định bảo tồn hệ sinh thái của mình trong những thế kỷ tới, chúng ta sẽ cần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đồng thời thực hiện bảo tồn các loài.”
Ngay cả khi các quần thể cá mập được phục hồi với số lượng dồi dào hơn, thì sự đóng góp của chúng vào việc nhấn chìm và giảm thiểu cacbon sẽ chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực hạn chế chế biến đổi khí hậu. Nhưng sự phong phú của cá mập có tác động không thể phủ nhận đối với nhiều hệ sinh thái biển dựa vào lượng cỏ biển dồi dào và khỏe mạnh theo cách này hay cách khác. Bằng cách san bằng sân chơi sinh thái, cá mập đang củng cố các hệ sinh thái này trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu, để chúng có thể sống để nhấn chìm cacbon vào một ngày khác./.
Ngân An
Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/nhung-loi-ich-cua-ca-map-ho-doi-voi-khi-hau-a491.html