Đạo diễn Andy Glynne: Phim tài liệu là sự sáng tạo giữa sự thật

Nhân dịp đạo diễn Andy Glynne, Giám đốc điều hành của Mosaic Films giảng dạy tại Việt Nam cho những người làm phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam, phóng viên Tạp chí Người Làm báo đã có cuộc trao đổi với ông về cách làm phim tài liệu hiện đại và góc nhìn của ông về thể loại đặc biệt này trong truyền hình và điện ảnh.

PV: Qua hai khóa đào tạo tại Đà Nẵng và Hà Nội cho những đạo diễn của VTV, ông đánh giá như thế nào về cách làm phim tài liệu của các học viên?

Đạo diễn Andy Glynne: Tôi nghĩ một trong những vấn đề lớn nhất của học viên là sự thiếu hiểu biết về các thể loại phim tài liệu quốc tế hiện nay. Xem ra đây như một xu hướng từ khi xây dựng format cho phim tài liệu, chúng giống như những mẩu tin kéo dài - lấp đầy bằng hình ảnh và lời bình, nhưng hầu như không chú trọng đến phong cách kể chuyện bằng hình ảnh.

Điều này xuất hiện phần lớn trong các sản phẩm đầu ra của đạo diễn. Nói chung phim tài liệu của học viên liên quan đến các vấn đề như tài nguyên và ngân sách có sự thiếu hụt kiến thức về làm phim tài liệu. Dường như phim chỉ tập trung vào lời hơn là hình, cá nhân tôi cho rằng, thế mạnh của phim tài liệu là hình ảnh chứ không phải lời bình.

dao-dien-andy-3-1633833071.jpg
Đạo diễn Andy Glynne

PV: Những kiến thức về phim tài liệu mà các học viên còn thiếu là gì thưa ông?

Đạo diễn Andy Glynne: Tất cả phim tài liệu sáng tạo là những phim có hình ảnh sinh động, tác động mạnh và biết cách sử dụng hình ảnh để kể chuyện. Ai cũng có thể nhận thấy sự hồ hởi, thích thú của các học viên khi họ được xem những thước phim tài liệu quốc tế và trong phần thảo luận để tư duy về những cách làm phim mới, giàu tưởng tượng và tính sáng tạo trong phong cách kể chuyện bằng hình ảnh.

Để có được kỹ năng sâu, trước hết cần có kiến thức sâu rộng và sau đó là sự cọ xát với nhiều phim tài liệu. Netflix là một kênh tham khảo hữu ích qua một số phim tài liệu được làm phụ đề tiếng Việt. Thứ nhất, đây là cách khởi đầu tốt làm cho học viên thấy được sự đa dạng và thú vị trong cách làm và nội dung của phim tài liệu. Thứ hai, đây là cách để đạt được các kỹ năng cốt lõi từ những người có kinh nghiệm; không có gì hữu ích hơn là “làm” như một cách học - và tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi thấy những học viên này được hướng dẫn thông qua quá trình làm phim tài liệu theo cách mới và thú vị, thu hút khán giả mới và đặt vào đó sức sống của thể loại phim tài liệu.

PV: Là một đạo diễn rất thành công với phim tài liệu ông có thể chia sẻ với tôi: Sự thật là gì?

Đạo diễn Andy Glynne: Giảng dạy phim tài liệu luôn là những trải nghiệm thú vị. Có một khoảnh khắc khi người ta hỏi học viên: “Phim tài liệu có trung thực không?” và có một cái gật đầu và đồng loạt trả lời “Có! Tất nhiên rồi”. Và sau đó tôi phải ngồi đó, lắc đầu thật mạnh để tỏ ra không đồng tình với mọi người!

Tôi không bao giờ tán thành với quan niệm rằng một bộ phim tài liệu là “sự thật” hoặc “thực tại khách quan” trong sâu thẳm của bộ phim. Nó thực sự không! Khoảnh khắc bất cứ ai bấm máy và quyết định chĩa nó vào người A chứ không phải người B, thì quá trình biên tập đã diễn ra. Cách chúng ta quay phim, phỏng vấn, biên tập và xây dựng một bộ phim tài liệu có nghĩa là nó mang tính chủ quan, không khách quan.

Khi chúng ta kể về một câu chuyện, mặc dù với đầy hy vọng rằng có một số tương quan với “thực tế khách quan” với bộ phim mà chúng tôi đang thực hiện, nó không phải là điều không thể, nhưng khi mối quan hệ giữa thực tế và lăng kính của nhà làm phim bị lệch, chúng ta thường gọi đó là tuyên truyền - hay thậm chí chỉ đơn giản là làm phim tồi!

Phim tài liệu có thể được cân bằng, có thể cân bằng giữa “thực tế” và ‘cái gọi là sự thật’ về bản chất, nhưng không bao giờ là một. Có lẽ tốt hơn là xin trích dẫn một định nghĩa về phim tài liệu của Grierson, vị cha đẻ của phim tài liệu, vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay: “Phim tài liệu là sự sáng tạo giữa sự thật”.

andy-1-1633833140.jpg
Tạp chí Người làm báo

PV: Phỏng vấn nhân vật có vai trò như thế nào trong phim tài liệu thưa ông?

Đạo diễn Andy Glynne: Kỹ thuật phỏng vấn là một trong những kỹ năng thường bị bỏ qua nhiều nhất trong việc làm phim tài liệu. Thường thì chúng ta tự nhủ rằng, cần phải quan tâm tới chủ đề phim hơn cả, sau đó cầm máy quay (hoặc chọn một quay phim) phù hợp với công việc làm phim, trò chuyện, hoặc trao đổi với nhau một chút trong khi biên tập, rồi chào từ biệt, thế là chúng tôi đã có được một bộ phim vĩ đại! Sự thật thì công việc phỏng vấn phức tạp hơn nhiều.

Để phỏng vấn tốt cho phim tài liệu, nó đỏi hỏi một kỹ năng rất tỉ mỉ và khó tính. Một cuộc phỏng vấn có thể làm hỏng cả một bộ phim hoặc đem đến sự thành công cho bộ phim đó. Phỏng vấn là tiền đề tạo ra xương sống cho câu chuyện của bạn.

andy-2-1633833216.jpg
Bài viết trên tạp chí Người làm báo

PV: Vậy đâu là sự khác biệt giữa cách làm phim tài liệu truyền thống so với hiện tại?

Đạo diễn Andy Glynne: Một bộ phim tài liệu, giống như bất kỳ hình thức nghệ thuật nào, nó luôn thay đổi và liên tục phát triển. Một bộ phim tài liệu từ 10 năm trước, thậm chí lâu hơn, thường khác hoàn toàn với những bộ phim mà chúng ta thấy trên màn hình TV hoặc trong rạp chiếu phim ngày nay.

Một phần của điều này là bao gồm cách quay phim mới và chi phí sản xuất cao hơn, công nghệ mới hơn (sử dụng flycam, máy ảnh nhỏ hơn, 4K, không gian ảo...). Một phần là cách kể chuyện mới hơn và phát huy tối đa cách tiếp cận trực quan của hình ảnh và kết cấu của lời bình.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này!

Vũ Quang (thực hiện)

Vũ Quang

Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/phim-tai-lieu-la-su-sang-tao-giua-su-that-a398.html