Thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã tiến thêm một bước đến hiện thực hóa trong ngày 8/10 khi Hungary (Hung-ga-ri), một trong những nước cuối cùng đứng ngoài cải cách này, đã đồng ý tham gia thỏa thuận trên, hiện đã có sự góp mặt của 136 quốc gia.
Chính phủ Hungary cho biết nước này đã đồng ý tham gia thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sau khi có được một số nhượng bộ, trong đó có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 10 năm. Hungary hiện đang áp thuế doanh nghiệp 9%, còn thấp hơn cả mức 12,5% của Ireland (Ai-len).
Tuyên bố trên của Hungary được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ireland đã quyết định tham gia vào nỗ lực toàn cầu này. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết với sự góp mặt của Hungary, 136 quốc gia đại diện cho 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu hiện đã ký thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu. Estonia (Ét-xtô-ni-a) cũng đã đồng ý tham gia cải cách trên trong ngày 7/10.
Như vậy, OECD cho biết Kenya (Kê-ni-a), Nigeria (Ni-giê-ri-a), Sri Lanka (Xri Lan-ka) và Pakistan (Pa-ki-xtan) là những nước cuối cùng còn đứng ngoài thỏa thuận trên trong số 140 nước tham gia đàm phán về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
OECD cho biết các nước đang hướng đến việc ký kết một hiệp định đa phương vào năm 2022, với kế hoạch thực thi cải cách này vào năm 2023.
Vấn đề cải cách hệ thống thuế toàn cầu đã được thống nhất trong các cuộc đàm phán do OECD khởi động. Hồi tháng 6/2021, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thông qua mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%. Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua thỏa thuận vào tháng 7/2021. Mức thuế chung ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp.
Mức thuế trên sẽ áp dụng với các công ty có doanh thu vượt mức 750 triệu euro (867 triệu USD). Bên cạnh mức thuế tối thiểu, 136 quốc gia nói trên còn nhất trí tái phân bổ hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 trong số các tập đoàn đa quốc gia sinh lời cao nhất thế giới cho nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc các công ty sẽ phải nộp thuế ở những quốc gia mà họ có hoạt động kinh doanh và tạo ra lợi nhuận, dù họ có sự hiện diện vật lý ở đó hay không. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ như Facebook.
Đại dịch COVID-19 đã gia tăng sự cấp thiết của cải cách này, giữa lúc các nước đang cần những nguồn thu mới để trang trải cho những chương trình kích thích kinh tế khổng lồ. OECD cho biết mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% có thể giúp ngân sách chính phủ các nước tăng 150 tỷ USD mỗi năm.
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nói: "Đây là đại thắng cho chủ nghĩa đa phương cân bằng và hiệu quả". Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lại gọi đây là một thành tựu hiếm có cho hoạt động ngoại giao kinh tế. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng đây là “một khoảnh khắc lịch sử”. Hiệp hội ngành truyền thông và máy tính có trụ sở ở Brussels cũng hoan nghênh thỏa thuận trên./.
Khánh Ly (Theo AFP)
Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/136-quoc-gia-tham-gia-thoa-thuan-ve-thue-doanh-nghiep-toi-thieu-toan-cau-a376.html