Trong đó, về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho hay, tính đến đầu tháng 10/2021, tỉnh đã xuống giống được 327.825 ha lúa; thu hoạch 326.196 ha, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 9,8% so cùng kỳ.
Tỉnh có 73 doanh nghiệp đã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích gần 62.000 ha lúa, tăng 68%. Các địa phương trong tỉnh đã thả nuôi được 66.930 ha thủy hải sản các loại, đạt 90,45% kế hoạch, tăng 4,46% so cùng kỳ; trong đó, diện tích tôm nước lợ 45.526 ha, tăng 3,89%. Ước tổng sản lượng thủy hải sản thu hoạch 9 tháng là 246.445 tấn, đạt 76,3% chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh, tăng 9,42%.
Hiện các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động, nhưng do chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nên tình hình tiêu thụ thủy sản tương đối chậm, giá tôm giảm từ 1.000-15.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, do chịu nhiều tác động từ dịch COVID-19, nhất là trong quý III/2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng chậm so với cùng kỳ, tăng 0,47%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 19.806 tỷ đồng, đạt 69,5% kế hoạch, tăng 2,04% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng hóa 9 tháng của tỉnh Sóc Trăng đạt 950 triệu USD, đạt 95% chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh và tăng 16,88% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu thủy sản được 740 triệu USD, tăng 23%; xuất khẩu gạo được 180 triệu USD, tăng 46,36%. Với điều kiện dịch bệnh tạm ổn và đà tăng trưởng sản xuất kinh doanh đang phục hồi, khả năng cả năm 2021, tỉnh Sóc Trăng sẽ xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1,15 tỷ USD.
Về thu ngân sách nhà nước đạt khá cao, ước thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đạt 3.480,033 tỷ đồng, đạt 93,63% so dự toán năm 2021, tăng 19,72% so cùng kỳ. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, nhất là đã thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.
Điều đáng mừng nữa là trong tháng 10 này và những tháng cuối năm còn lại, sẽ có ít nhất 8 nhà máy điện gió hoàn thành đi vào hoạt động, trong những ngày đầu tháng 10, đã có 3 nhà máy điện gió của tỉnh thực hiện thành công đóng điện, vận hành không tải, chuẩn bị cho bước hòa lưới điện quốc gia trong ít ngày nữa. Khi đi vào hoạt động sẽ tăng thu ngân sách cho địa phương.
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ban ngành và các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hỗ trợ triển khai các dự án đã cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn để các dự án sớm đi vào hoạt động.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư được 15 dự án với tổng vốn đăng ký là 17.481 tỷ đồng, tăng 23,5% so cùng kỳ; trong đó, có một số dự án quy mô lớn, khi hoạt động sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh như: Dự án Nhà máy điện gió BCG Sóc Trăng 1, dự án Nhà máy điện gió Sóc Trăng 4…
Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, tính đến hết tháng 9, tỉnh đã đạt được kết quả tốt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đạt được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất ổn định. Theo đó, tỉnh đã phục hồi sản xuất trở lại được khoảng trên 80% so với thời điểm trước khi có dịch. Các doanh nghiệp trong tỉnh phục hồi sản xuất gần như 100%, có doanh nghiệp còn mở rộng sản xuất.
Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong 9 tháng qua đã gần đạt kế hoạch cả năm. Kết quả đó là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo, các cấp, các ngành của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã có những biện pháp, chiến lược thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, tạo điều kiện cho người dân thu hoạch nông sản, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp có điều kiện duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo các cấp, ngành, doanh nghiệp tỉnh, trong phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh phải an toàn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải áp dụng công nghệ để phòng chống dịch, khai báo y tế nhanh chóng; áp dụng linh hoạt trong phòng chống dịch với sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhất là trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, xây dựng, triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản gắn với yêu cầu phòng, chống dịch.
Theo đó, tỉnh sẽ phải nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã hoạt động trở lại ngay sau khi từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Thực hiện các giải pháp khôi phục sản xuất trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Cùng đó, xử lý nghiêm các hành vi gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ùn tắc trong lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, cũng cần tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là không để xảy ra tình trạng tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm (nhất là các mặt hàng nông sản) trên các sàn thương mại điện tử
Trung Hiếu
Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/kinh-te-soc-trang-van-tang-truong-kha-trong-dai-dich-a351.html