Thanh Hóa: Lúa Mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay

Nhờ áp dụng đúng khung thời vụ, sử dụng bộ giống phù hợp, dự báo tốt khâu phòng trừ sâu bệnh và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vụ Mùa năm 2021 nông dân tỉnh Thanh Hóa được mùa lớn nhất từ trước đến nay.

1c206e7216d1d32d1c-1633688059.jpg
Lúa mùa Thanh Hóa đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Ảnh minh họa

Qua đó đảo đảm an sinh xã hội, ổn định tư tưởng của người dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Ngành nông nghiệp được mùa cũng tạo bệ đỡ để phát triển các ngành kinh tế khác.

Vụ Mùa năm 2021, tỉnh Thanh Hóa gieo cấy trên 116.000 ha lúa, dự kiến năng suất đạt 54,5-55 tạ/ha, cao hơn 0,5 tạ/ha so với vụ Mùa năm 2020. Tiêu biểu như các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa năng suất đạt trên 60 tạ/ha.  Số doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống, vật tư tăng; trong đó có 7 doanh nghiệp lớn thu mua chế biến lúa gạo với tổng công suất 180.000 tấn, tăng 2 doanh nghiệp so với vụ Mùa năm 2020.

Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm nay lúa được mùa lớn là do ngành nông nghiệp bố trí bộ giống và thời vụ gieo trồng hợp lý, nên đã né được các lứa sâu bệnh. Bên cạnh đó, nông dân cũng áp dụng các biện pháp thâm canh tốt như cấy đúng mật độ, bón phân cân đối để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng, hạn chế phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

"Cùng với đó chất lượng nông sản được đảm bảo bởi trong suốt cả vụ, hầu như nông dân không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, sản xuất lúa không chỉ giảm khoảng 300 tỷ đồng chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo vệ được môi trường sinh thái", ông Vũ Quang Trung cho hay.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, hiện tại mỗi huyện, thị, thành phố của tỉnh đã được trang bị từ 1-2 bẫy đèn đặt trên các cánh đồng lớn để xác định pha sinh trưởng, phát triển của sâu, côn trùng hại lúa. Từ đó, xác định được mật độ và ngưỡng gây hại của sâu bệnh, côn trùng để áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng biện pháp thủ công để diệt trừ... Khi lúa chín từ 85% trở lên, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã huy động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch với phương châm xanh nhà hơn già đồng nhằm tránh thời tiết bất lợi làm giảm năng suất, chất lượng lúa.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa đã chín còn lại nhằm chuẩn bị quỹ đất cho sản xuất vụ Đông.

Trịnh Duy Hưng

Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/thanh-hoa-lua-mua-dat-nang-suat-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-a350.html