Dịch COVID-19: Doanh nghiệp chế biến thủy sản duy trì sản xuất an toàn

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, tỉnh Bạc Liêu đang quyết liệt kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hạn chế tối đa tình trạng phát sinh, lây lan trong cộng đồng.

ttxvn-che-bien-thuy-san20140206-1508388259-1633597244.jpg
Tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản đảm bảo, duy trì sản xuất an toàn. 

Bên cạnh đó, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân lao động.

Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất thủy sản xuất khẩu của Bạc Liêu. Dù vậy, nhờ có các giải pháp phù hợp, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đông lạnh vẫn giữ được sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu hơn 52.296 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD, tăng 2,07% so với cùng kỳ.

Bạc Liêu hiện có 36 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, ngay khi xuất hiện trường hợp dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2 trong cộng đồng vào ngày 28/5, Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, thực hiện có hiệu quả phòng chống dịch.

Điểm nổi bật trong phòng chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu là đều được cơ cấu làm thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp của địa phương.

Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức triển khai kết nối, trao đổi trực tuyến hàng tuần với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Việc làm này, không những giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt những thông tin, diễn biến về tình hình dịch bệnh cũng như các giải pháp mà các cấp chính quyền triển khai thực hiện.

Ngược lại, chính quyền cũng kịp thời ghi nhận, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp gặp phải trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhờ vậy, gần 100%, doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất vừa phòng chống tốt dịch bệnh theo phương châm “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Minh Long, Doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng trên địa bàn thị xã Giá Rai cho biết, hầu hết các doanh nghiêp phải cắt giảm bớt số lượng công nhân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì sản xuất, có những thời điểm công ty phải cắt giảm lượng công nhân hơn 50%.

Cũng theo ông Trần Văn Diệu, công ty không chỉ áp dụng thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch đối với các nhân viên, công nhân, mà đối với các khách hàng, nhất là các lái xe đến giao và nhận hàng đều được kiểm soát và phòng chống dịch rất nghiêm ngặt.

Đặc biệt, các công nhân đã được tiêm vaccine, trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang y tế; kiểm soát nghiêm ngặt khi ra vào công ty và buộc cam kết khi rời khỏi công ty về nơi cư trú không được giao lưu, tu tập đông người, nêu cao ý thức phòng bệnh, nhằm chủ động ở mức cao nhất, tránh gây ra nguồn lây bệnh vào công ty.

Công ty cổ phần Thủy sản Nha Trang (thị xã Giá Rai) là một trong những đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô khá lớn của tỉnh Bạc Liêu với trên 1.000 công nhân, sản phẩm chế biến của công ty được xuất khẩu sang thị trường EU, Australia, Mỹ, Hàn Quốc... Theo ông Trần Văn Minh, Giám đốc công ty, để phòng, chống có hiệu quả dịch COVID-19, công ty luôn tranh thủ sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền; phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như thu hẹp qui mô sản xuất, cắt giảm số lượng công nhân để đảm bảo giãn cách, trong phòng chống dịch.

Công ty cổ phần Thủy sản Nha Trang cũng cho biết việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đó là điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho công nhân và cả tâm lý, an sinh của người lao động khi bị tách khỏi gia đình.

Đồng thời, làm tăng chi phí của doanh nghiệp vì vừa phải lo xét nghiệm, tiêm vaccine, vừa phải phụ cấp tiền lương, ăn ở cho người lao động. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo tiêu thụ tôm nguyên liệu cho nông dân, giải quyết việc làm cho người lao động; không để đứt gẩy chuỗi cung ứng, hoàn tất các hợp đồng với các đối tác đã ký kết.

Theo ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, địa phương tập trung đến 80% số lượng nhà máy chế biến thủy sản của tỉnh Bạc Liêu, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 cùng sự chung tay của các doanh nghiệp. Do đó, hàng chục ngàn công nhân lao động tại tất cả các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản xuất khẩu trên địa bàn không có ca lây nhiễm COVID-19. Điều này đã giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, ngay từ những ngày đầu xuất hiện các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, lãnh đạo tỉnh nhận định việc áp dụng giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của người dân và doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Đây là lĩnh vực sản xuất mang tính liên kết theo chuỗi có sự tham gia quy mô lớn, liên quan trực tiếp đến việc làm, sản xuất và đời sống của hàng chục nghìn người từ nông dân các vùng nguyên liệu, đến công nhân và doanh nghiệp. Vì vậy, UBND tỉnh Bạc Liêu liên tục cử các Đoàn công tác đến trực tiếp kiểm tra, động viên, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các phương án sản xuất phù hợp trong tình hình có dịch.

Nhờ đó, trong nhiều tháng qua, kể cả thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh dù có giảm về quy mô, số lượng công nhân để thực hiện giãn cách phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì được hoạt động liên tục, đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu, không xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.

Tuấn Kiệt

Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/dich-covid-19-doanh-nghiep-che-bien-thuy-san-duy-tri-san-xuat-an-toan-a322.html