Nhà báo Terry Anzur: Truyền hình là một “cuộc trò chuyện phóng to”

Nhà báo Terry Anzur là chuyên gia của Hiệp hội Fulbright trong lĩnh vực báo chí Phát thanh – Truyền hình và là người được phân công tham gia đào tạo truyền thông tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc.

Bà là người sở hữu rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực truyền hình như: giải Emmy về việc đưa tin trong các sự kiện chính; giải thưởng của AP; giải Genesis cho lĩnh vực phóng sự điều tra… Nữ nhà báo Hoa Kỳ này từng làm việc tại kênh NBC nay là kênh MSBC trong chương trình America’s Talking… Nhân dịp bà kết thúc khóa học thứ 5 của mình tại Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện về nghề nghiệp truyền hình, về đào tạo truyền hình.

PV:  Thế nào là một người dẫn chương trình truyền hình tốt thưa bà?

Nhà báo Terry Anzur:  Kỳ vọng của khán giả đã thay đổi nhiều trong thời đại truyền thông trực tuyến. Chỉ thông báo những sự kiện đang diễn ra không còn đủ để coi là tin tức nữa, vì truyền hình thường đang đưa ra những thông tin mà khán giả đã biết được từ trên mạng.

Khả năng biên tập tốt là một kĩ năng quan trọng, nhưng cách người dẫn truyền tải ý nghĩa của kịch bản tới cho khán giả còn quan trọng hơn.

Để làm được việc này, người dẫn cần phải có chất giọng, mức năng lượng, biểu cảm khuôn mặt và cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể tốt. Một người dẫn ưa thích của tôi tại Mỹ đã từng nói “Tôi không chỉ đưa tin về một câu chuyện, tôi cảm nhận câu chuyện đó.”

vu-quang-81-1633486316.jpg
Nhà báo Terry Anzur hướng dẫn tại hiện trường cho các nhà báo của VTV

PV: Điểm mạnh của những người dẫn chương trình của VTV là gì?

Nhà báo Terry Anzur: Họ rất thông minh! Đặc biệt là trong các bài tập dẫn hiện trường, tôi rất ấn tượng với khả năng sắp xếp và xử lí các thông tin phức tạp của học viên. Họ biết cách sử dụng tốt các công nghệ truyền thông và rất hứng thú được đóng vai trò một người dẫn bản tin mà tôi mô tả là “chú chó canh” – nghĩa là một người dẫn đảm nhiệm việc thu thập thông tin từ mọi nguồn thông tin truyền thông và truyền tải thông tin này theo cách khiến cho khán giả cảm thấy hấp dẫn.

Chúng ta cũng phải thành thật và hiểu rằng truyền hình là một phương tiện hình ảnh. Rất nhiều người dẫn chương trình của VTV có ngoại hình đạt tiêu chuẩn ngôi sao và họ tuân theo các nguyên tắc cơ bản về ngoại hình cho truyền hình: trang phục được thiết kế vừa với dáng người, màu sắc cơ bản đậm (không phải trắng hay đen) và, với phụ nữ, kiểu tóc ôm lấy khuôn mặt.

PV: Còn điểm yếu của họ, xin bà cứ nói thẳng thắn?

Nhà báo Terry Anzur: Chất giọng luôn là một thách thức cho những người làm truyền hình. Có một vài người dẫn của VTV cần phát triển một chất giọng chỉ huy tốt hơn để khán giả có thể nghe rõ giọng họ trên nền nhạc ở đầu chương trình.

Có vài người dẫn khác thì nói quá to, giống như đang nói chuyện với máy quay ở đằng xa chứ không phải với chiếc mic ở ngay gần mình. Tôi làm việc với từng người dẫn để giúp họ tìm ra mức âm lượng tốt nhất cho mình, nhưng để thay đổi những thói quen như cách hít thở và nói chuyện sẽ đòi hỏi một thời gian dài. Đeo mic cài ve định hướng cho người dẫn cũng sẽ giúp thu tiếng tốt hơn so với mic đa hướng để bàn.

Trò chuyện nhiều hơn với khách mời, và ngắt lời họ trong những câu trả lời quá dài, nhàm chán, hoặc sai trọng tâm là những cách để các cuộc phỏng vấn trở nên hấp dẫn hơn. Người dẫn cần phải “cầm lái” trong cuộc phỏng vấn. Và đừng cho khách mời biết trước danh sách câu hỏi của mình! Chúng ta chỉ cần cho họ biết qua về những nội dung sẽ được nói đến và sau đó có một cuộc trò chuyện thật với họ.

Bản thân tôi cũng có một điểm yếu, đó là tôi không biết tiếng Việt. Tôi đã có những người phiên dịch tuyệt vời trong mọi khóa học cũng như những điều phối viên nói tiếng Anh rất tốt của Trung tâm Đào tạo. Tôi cũng rất may mắn vì có được những người dẫn với nhiều kinh nghiệm trong khóa học của mình, ví dụ như anh Nguyễn Việt Hải từ chương trình Chào Buổi Sáng, giúp đưa ra những nhận xét về cách dẫn tiếng Việt của các học viên ít kinh nghiệm hơn.

PV:  Đâu là sự khác biệt giữa người dẫn chương trình của truyền hình Hoa Kỳ và Việt Nam?

Nhà báo Terry Anzur: Không có nhiều sự khác biệt. Người làm truyền hình trên toàn thế giới đều rất tò mò và luôn muốn kể lại những câu chuyện hay.

Ở Mỹ, người dẫn thường sẽ có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, sau đó khởi nghiệp ở một thị trấn nhỏ trước khi chuyển tới làm tại một thành phố lớn hay một kênh truyền hình quốc gia.

Người dẫn ở VTV thường có bằng tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế hay một chuyên ngành khác, và họ sẽ phải học những nguyên tắc cơ bản về ngành báo chí một cách nhanh chóng khi họ bắt đầu sự nghiệp truyền hình ở một kênh truyền hình quốc gia hay quốc tế.

Các kênh truyền hình tại Mỹ đã và đang sử dụng các nền tảng truyền thông khác nhau, vì thế các phóng viên đều phải quảng bá câu chuyện của mình qua Facebook và Twitter, nhưng tôi thấy VTV cũng đang có tiến triển tốt trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu cho thấy những khán giả có kết nối với chương trình qua mạng xã hội sẽ có xác suất xem chương trình cao hơn nhiều.

Tôi rất cảm ơn lời mời từ Trung tâm Đào tạo đã cho phép tôi được làm việc cùng VTV. Tôi đã học được nhiều điều từ trải nghiệm này và rất mong sẽ còn có cơ hội được quay lại lần sau.

PV: Trân trọng cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện rất thú vị!

Vũ Quang (thực hiện)

Vũ Quang - nguoilambao.vn

Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/nha-bao-terry-anzur-truyen-hinh-la-mot-cuoc-tro-chuyen-phong-to-a286.html