Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Hà Giang có tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 5,65%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy lợi thế của địa phương: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm còn 33,62%; công nghiệp, xây dựng chiếm 23,88%; thương mại, dịch vụ tăng, đạt 42,5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 29,53 triệu đồng, tăng 46,9% so với năm 2015. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 45.249 tỷ đồng, tăng 73,4% so với giai đoạn 2010 - 2015. Cấp quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư cho 174 dự án vốn ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký thực hiện hơn 19.157 tỷ đồng; 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tống số vốn đăng ký đầu tư 0,7 triệu USD (tương đương 16,1 tỷ đồng); lũy kế đến hết năm 2020, tỉnh có 310 dự án đang đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư 43.394,28 tỷ đồng.
Hà Giang luôn xác định cải cách hành chính là khâu then chốt trong thu hút đầu tư; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính; thành lập Ban Thu hút đầu tư tỉnh làm đầu mối tiếp nhận, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ và đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức đầu tư kinh doanh. Hiện đang có một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như VinGroup, TH True milk, FLC, Bông Sen Vàng, Truyền thông Hoa Sao... đầu tư những dự án lớn vào các lĩnh vực lợi thế, tiềm năng của tỉnh; các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực VH - XH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư vào tỉnh chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; phần lớn các dự án đăng ký đầu tư có quy mô vốn nhỏ, công nghệ giản đơn; nhiều dự án đầu tư chưa đảm bảo tiến độ hoặc không triển khai gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư… Nguyên nhân chủ yếu do tỉnh có xuất phát điểm về KT – XH thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật yếu kém, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; công tác lập và quản lý quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo.
Trong nhiều buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chỉ rõ: Một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là chính sách tạo quỹ đất; giải phóng mặt bằng thiếu quyết liệt, kéo dài; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết các thủ tục đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư còn nhiều bất cập, chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt, còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong thực thi công vụ; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính còn nhũng nhiễu, tham nhũng “vặt”; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thấp, chưa tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ đầu tư…
Tháo gỡ khó khăn, tỉnh xác định huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực thu hút đầu tư; phát huy tiềm năng, lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, từng bước xây dựng tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp hàng hóa đặc trưng. Chú trọng chuyển đổi số để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, tác động lan tỏa vào các lĩnh vực có lợi thế so sánh gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và phát triển KT – XH của địa phương.
Tỉnh đang tập trung lập và quản lý quy hoạch, đặc biệt là tổ chức lập, thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển đô thị đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo chất lượng. Đồng thời, ban hành, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và lợi thế từng ngành, lĩnh vực. Tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông liên kết vùng, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế.
Không để xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, tỉnh xác định giải phóng mặt bằng, giao đất và thực hiện các giải pháp đồng bộ để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh, trật tự là những nhiệm vụ trọng tâm và trách nhiệm người đứng đầu. Tập trung giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đối thoại với các nhà đầu tư để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư; kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh…
Bằng việc chấn chỉnh, nâng cao năng lực, đạo đức công vụ đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ phiền hà, sách nhiễu… cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng, đó là môi trường lý tưởng để các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần giúp cuộc sống đồng bào biên cương ngày một ấm no.
Kim Tiến - Báo Hà Giang
Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/ha-giang-thu-hut-dau-tu-khong-de-tren-nong-duoi-lanh-a268.html