Giá dầu thế giới đã tăng lên mức đỉnh ba năm trong phiên 4/10, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, xác nhận họ sẽ tuân theo chính sách sản lượng hiện tại.
Quyết định trên của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ phục hồi, bất chấp áp lực từ một số quốc gia về việc nhóm này cần tăng cường sản xuất.
Phiên này, giá dầu Brent tăng 1,98 USD (tương đương 2,5%) lên 81,26 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,74 USD (2,3%) lên 77,62 USD/thùng - mức cao nhất kể từ năm 2014 của loại dầu này.
Ông John Kilduff, đối tác của công ty môi giới đầu tư Again Capital LLC ở New York, Mỹ cho biết dựa trên bức tranh nhu cầu và kết quả của cuộc họp OPEC, tâm lý chung trên thị trường là tin tưởng “vàng đen” sẽ còn tăng giá.
Hồi tháng 7/2021, OPEC+ cho biết nhóm sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2022 để bù đắp dần lượng cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày trong kế hoạch hạn chế sản lượng hiện có.
Theo giới quan sát, quyết định tiếp tục tăng sản lượng dầu từng bước của OPEC+ sau cuộc họp mới nhất đã giúp giá "vàng đen" tăng mạnh hơn. Điều này sẽ tạo thêm áp lực lạm phát, khiến các quốc gia tiêu thụ dầu lo ngại về khả năng đà phục hồi kinh tế sau đại dịch của họ bị chệch hướng.
OPEC+ đã phải đối mặt với áp lực từ một số quốc gia về việc bổ sung sản lượng, do nhu cầu đã phục hồi nhanh hơn dự kiến ở một số khu vực trên thế giới. Bốn nguồn tin OPEC+ cho hay các nhà sản xuất đang xem xét nâng sản lượng tăng cao hơn mức đã được thỏa thuận.
Bên cạnh đó, giới phân tích lưu ý đà phục hồi của giá dầu cũng được thúc đẩy bởi mức tăng thậm chí lớn hơn của giá khí đốt – vốn đã nhảy vọt tới 300%. Diễn biến này đã khiến nhiều nước phải chuyển sang sử dụng dầu cùng các sản phẩm thô khác để sản xuất điện và phục vụ các nhu cầu công nghiệp./.
H.Thủy (Theo Reuters)
Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/quyet-dinh-cua-opec-giup-gia-dau-the-gioi-on-dinh-tren-nguong-81-usdthung-a261.html