Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tư duy sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, từ khi tỉnh triển khai chương trình OCOP, các hợp tác xã nông nghiệp cũng là những đơn vị tiên phong, tích cực tham gia chương trình và xem đây là giải pháp và là cơ hội để các hợp tác xã có thể tự hoàn thiện, nâng cao về các mặt hoạt động.

dean-ocop-copy-1-1633188940.jpg
Ảnh Cổng TTĐT Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai xác định ngành nông nghiệp là trụ đỡ cho phát triển kinh tế; trong đó, Đề án "Chương trình Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và Đề án "Phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020" là hai nội dung quan trọng, mang đến nhiều đổi thay tích cực cho nền kinh tế nông nghiệp, mở ra nhiều hướng đi mới cho người dân tỉnh Gia Lai.

*Mở ra nhiều hướng đi mới 

Sau gần 3 năm triển khai chương trình OCOP, tỉnh Gia Lai có 149 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh; hơn 100 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Tuy bị ảnh hưởng chung bởi dịch COVID-19 nhưng các sản phẩm này có sản lượng bán ra tăng hơn 20% so với trước đó.

Theo ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, các sản phẩm OCOP của Gia Lai ngày càng được nâng cao chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì. Các chủ thể quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, bán hàng.

Ngoài những kênh bán hàng truyền thống, Gia Lai đã xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai để kết nối các giao dịch điện tử trong cả nước nhằm linh hoạt kênh bán hàng. Nhờ đó, bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai được bán trên các trang điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, sàn giao dịch điện tử OCOP của tỉnh đã tăng sản lượng.

Chị Trần Thị Diễm Kiều, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Bò khô Huy Vũ, huyện Đăk Đoa, Gia Lai, cho biết, tham gia chương trình OCOP đã mang đến rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, điển hình như được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, có cơ hội để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, doanh nghiệp đã giao lưu, học hỏi kiến thức để nâng tầm sản phẩm của đơn vị, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường. Từ đó, sản phẩm bán ra được nhiều hơn và thị trường rộng lớn hơn.

"Do chương trình OCOP là chương trình mới nên các cấp, các ngành chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Ngoài ra, các sản phẩm đánh giá phân hạng của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng. Bởi vậy, để chương trình có hiệu quả tốt hơn trong giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp Gia Lai cần tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho biết thêm.

Theo đó, tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có 100 sản phẩm/năm được thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm và công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, có 400 – 600 đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; có ít nhất 2 sản phẩm dự thi OCOP 5 sao cấp Trung ương, phát triển ít nhất 1 mô hình du lịch nông thôn, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với làng nghề.

*Phát triển mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai hiện có hơn 230 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 140 hợp tác xã và tăng hơn 2.000 thành viên so với năm 2017; trong đó, có 9 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất về áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ nhà lưới, nhà màng, bảo quản nông sản lạnh nhanh, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi.

Ngoài ra, tỉnh còn có 1 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp đã và đang kết nối, hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 28 doanh nghiệp. Hình thức phổ biến và hiệu quả nhất là liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, nhất là liên kết với các doanh nghiệp lớn như Công ty Đồng Giao, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Nhà máy đường An Khê, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công, Tập Đoàn Lộc Trời.

Theo đó, số hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới giai đoạn 2018-2020 của Gia Lai là 140 hợp tác xã tương ứng với 175% so với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao (80 hợp tác xã). Số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả là 145/145, tương ứng 100% so với kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao và chiếm hơn 60% so với tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, huyện Đăk Đoa cho hay, đơn vị đã đem sản phẩm tham gia chương trình OCOP từ những ngày đầu chương trình hoạt động. Việc phát triển sản phẩm theo chương trình OCOP mang đến rất nhiều ý nghĩa với hợp tác xã, giúp hợp tác xã quảng bá sản phẩm tốt hơn, tiêu thụ được nhiều hơn và đưa nông nghiệp hữu cơ đến với nhiều người nông dân hơn. Sau gần 3 năm thành lập hợp tác xã đã xây dựng những sản phẩm chủ lực như Tiêu Hữu Cơ Lệ Chí chứng nhận theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu gồm tiêu Đỏ, tiêu Sọ, tiêu đen và tiêu muối một nắng, măng le Lệ Chí, cà phê ĐakYang.

Cùng với đó, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tư duy sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, từ khi tỉnh triển khai chương trình OCOP, các hợp tác xã nông nghiệp cũng là những đơn vị tiên phong, tích cực tham gia chương trình và xem đây là giải pháp và là cơ hội để các hợp tác xã có thể tự hoàn thiện, nâng cao về các mặt hoạt động.

Đặc biệt, kinh tế nông nghiệp đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn của hội nhập và phát triển. Sản phẩm nông nghiệp không chỉ hướng đến mục tiêu phục vụ thị trường trong nước, trong tỉnh mà còn là xuất khẩu.

Do đó, việc đẩy mạnh triển khai các chương trình OCOP, chương trình phát triển hợp tác xã nông nghiệp sẽ là chìa khóa để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Gia Lai phát triển nhanh và bền vững, sánh ngang với các địa phương khác trên cả nước./.

Hồng Điệp

Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-gan-voi-phat-trien-hop-tac-xa-nong-nghiep-a202.html