"Trong lúc các tỉnh tiết giảm huy động điện ở nhiều mức độ khác nhau, từ 20-50% thì Kon Tum giảm đến gần 60%. Từ ngày phát điện (đầu năm 2021) đến nay, tuần nào, tháng nào cũng bị cắt. Giờ cắt ở mức gần 60% trong 4 tháng cuối năm thì nhà đầu tư không thể "sống" nổi" - một nhà đầu tư bức xúc phản ánh.
Trước đó, ngày 20/9, Công ty Điện lực Kon Tum có thông báo về việc dự kiến phương thức huy động công suất điện từ điện mặt trời mái nhà tại tỉnh đến hết năm. Theo đó, công suất huy động giảm đến 59,32% cho mỗi dự án. Khi văn bản được gửi đi, Điện lực Kon Tum đã triển khai cắt giảm ngay khiến hàng loạt các nhà đầu tư "sốc".
Ông Phạm Cao Huy, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Vạn Phát có nhà máy công suất hơn 996 kWp bức xúc nói: "Công suất huy động giảm ngay khi vừa có thông báo và chưa có sự đồng thuận của các chủ dự án. Cùng cắt giảm huy động nhưng ở các tỉnh như Đắk Lắk, Khánh Hòa, Gia Lai… ngành điện đều có thư ngỏ, văn bản xin ý kiến gửi đến các chủ đầu tư trước khi triển khai. Hợp đồng mua bán điện không có việc cắt giảm huy động điện, trường hợp bất khả kháng, sự cố thì doanh nghiệp chia sẻ. Nhưng Điện lực muốn cắt, tiết giảm công suất huy động thì cũng phải thỏa thuận với nhà đầu tư. Việc Điện lực Kon Tum tự ý thực hiện là không thỏa đáng, thiếu tôn trọng nhà đầu tư và vi phạm hợp đồng mua bán điện đã ký."
Theo khảo sát, việc cắt giảm công suất huy động đến gần 60% tại Kon Tum là con số cao hơn so với các tỉnh khác trong khu vực. Cụ thể tại Đắk Lắk con số này là 25%, Đắk Nông 37%, Gia Lai 50%...
Việc cắt giảm phải có thông báo, lộ trình giảm dần qua các tháng, từ 10% tháng đầu, sau tăng thêm nhưng đến mức gần 60% là quá cao. Trước đó, trong tháng 2, để cải tạo, nâng công suất đường dây, nhà đầu tư đã bị cắt giảm huy động điện. Dịp Tết âm lịch, nhà máy ngày phát, ngày cắt. Nếu giảm huy động cao, ngành điện phải kéo dài thời gian mua bán điện trong hợp đồng để chia sẻ cùng nhà đầu tư. Có dự án mới đi vào hoạt động, nhà đầu tư phải trả gốc và lãi ở mức cao - chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty TNHH SoLar Kon Tum có công suất 700kWp kiến nghị.
"Cùng cắt giảm nhưng các tỉnh cắt công suất đỉnh hoặc một phần trong công suất lắp đặt. Điện lực Kon Tum chỉ nên giảm 20% công suất huy động. Hiện tại mỗi tháng các nhà máy vẫn bị giảm huy động công suất từ 10-15%. Chúng tôi đồng ý chia sẻ những khó khăn về thừa nguồn cung với ngành điện nhưng các Bộ, ngành Trung ương cần có chính sách hỗ trợ kéo dài thời gian mua bán điện để bù đắp lại thời gian cắt giảm" - ông Phạm Cao Huy đề xuất.
Trước khi có động thái giảm huy động công suất điện của điện mặt trời áp mái ở các tỉnh trong khu vực, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này. Theo đó, Tổng Công ty Điện lực miền Trung kiến nghị cho tiến hành tiết giảm sản lượng điện mặt trời áp mái nhằm giảm thiểu rủi ro, cân đối tài chính.
Ông Đỗ Văn Giáp - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ trên diện rộng… Nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất phát lên hệ thống.
Đây là tình huống nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hệ thống điện quốc gia. Do đó, ngành điện phải thực hiện giảm huy động các nguồn năng lượng phát lên hệ thống; trong đó có điện mặt trời áp mái. Công ty Điện lực Kon Tum đang thực hiện theo kế hoạch huy động nguồn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, không xảy ra sự cố. Việc giảm huy động công suất gần 60% đó là dự kiến vì quá trình vận hành sẽ có phương thức huy động cụ thể từng tuần; có thể nâng mức huy động từ điện mặt trời áp mái lên cao hơn.
Việc tiết giảm huy động công suất điện chỉ áp dụng với điện mặt trời áp mái của Tổng Công ty Điện lực miền Trung là không công bằng. Các dự án điện gió, thủy điện không giảm. Việc giảm huy động công suất điện chỉ áp dụng cho điện mặt trời áp mái đã đẩy khó khăn, rủi ro cho hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ và hộ cá nhân tham gia đầu tư dự án. Tất cả đều mới đầu tư, lợi nhuận đem lại chưa nhiều.
Các nhà đầu tư cho rằng, việc giảm huy động điện mặt trời áp mái xuất phát từ lý do điện lực đang mua điện với giá gần 2.000 đồng/kWh, cao hơn gần 2/3 so mua điện từ thủy điện…
Theo tính toán, mức đầu tư điện mặt trời áp mái từ khoảng 13 tỷ đến 15 tỷ đồng/1 MW. Để có vốn, chủ đầu tư đã thế chấp dự án vay ngân hàng 70% tổng chi phí (lãi suất khoảng 10%/năm), còn lại nhà đầu tư thế chấp tài sản và huy động vốn cá nhân. Hiện doanh thu gần 1 MW mỗi tháng khoảng 300 triệu đồng vào mùa cao điểm, trong khi chi phí trả lãi và gốc chiếm 2/3 tổng thu. Còn lại, chi phí vận hành, bảo vệ, bảo trì thiết bị, đóng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi và gốc các khoản vay cá nhân để đủ tiền làm dự án…
"Thời điệm hiện tại, thời tiết ở Kon Tum mưa nhiều, sản lượng thu từ điện mặt trời áp mái chỉ đạt khoảng 60-70%, tương đương doanh thu rơi vào khoảng 180 triệu đến 200 triệu/MW. Nếu cắt giảm 60% thì doanh thu khoảng chưa tới 100 triệu đồng/tháng. Mức thu này chỉ đủ đóng lãi vay chú chưa tính trả tiền gốc thế chấp dự án cùng các khoản chi khác như vận hành, lương…" - ông Phạm Cao Huy thừa nhận.
Mong muốn của nhà đầu tư là ngành điện cần dung hòa, cơ cấu lại mức độ giảm để vừa bảo vệ an toàn lưới điện, giảm rủi ro tài chính cho đơn vị mua điện và nhà đầu tư điện mặt trời áp mái. Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 1.445 doanh nghiệp, cá nhân đầu tư điện mặt trời áp mái với tổng công suất khoảng 150 MW./.
Hoàng Cao Nguyên
Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/nha-dau-tu-dien-mat-troi-mai-nha-tai-kon-tum-dong-loat-keu-cuu-a20.html