“Trụ đỡ” nông nghiệp - Vẫn cần thêm trợ lực

Bấy lâu nay, nông nghiệp vẫn được ví như là “trụ đỡ’ của nền kinh tế mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành suốt 2 năm qua, nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát trên diện rộng với tốc độ lây lan nhanh và mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thì nông nghiệp vẫn cho thấy được vai trò của mình khi duy trì được đà tăng trưởng.

Mặc dù vậy, theo như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trải qua những khó khăn do dịch gây ra cũng cho thấy những “lỗ hổng lớn” mà ngành cần nhanh chóng khắc phục, như ở khâu dự trữ, tiêu thụ nông sản…

*Điểm sáng nông nghiệp

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020 do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng quý III/2021, GDP ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là tăng 1,04%; còn lại khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02% và khu vực dịch vụ giảm 9,28%.

unnamed-1633102651.jpeg
Nông nghiệp chịu ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh (ảnh:VOV)

Theo đánh giá chung, sản xuất nông nghiệp 9 tháng qua diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trước những khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa  thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, nông nghiệp là ngành duy nhất tăng trưởng trong điều kiện khó khăn bởi dịch COVID-19, là trụ đỡ cho khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong nông nghiệp tăng trưởng chính là trồng trọt và thủy sản. Tỉnh Kiên Giang cũng xác định nông nghiệp là trụ đỡ kinh tế của địa phương trong năm 2021.

*Vẫn còn nhiều lỗ hổng

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn các vấn đề mà chúng ta đã đối mặt. “Chẳng hạn như nếu không có đại dịch thì câu chuyện “được mùa mất giá” đã xảy ra nhiều năm qua. Nhìn xa hơn thì cần hình dung, góc độ nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước ở góc độ mới hơn. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thách thức để tiếp tục thay đổi, chuyển mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thống kê, các địa phương vẫn còn tư duy theo số lượng. Điều này phải thay đổi, cần tính toán chuyển sang tư duy kinh tế để làm sao số lượng đó đến được thị trường, qua thương lái, chế biến… thế nào để tạo ra giá trị. “Đó là không gian kinh tế chứ không phải là những mảnh ghép”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lấy ví dụ cụ thể về đại dịch COVID-19 cho thấy, sự thiếu kết nối như là một thực thể kinh tế của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Đã là một thực thể kinh tế thì “mạch máu” chảy khắp ở 13 tỉnh, thành, không có biên giới hành chính, trong khi đó chúng ta lại quản lý theo biên giới hành chính. Ở đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa đảm đương được vai trò trong điều phối kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Một vấn đề nữa là vai trò của thương lái cũng cần được nhìn nhận lại, khi trong đợt dịch mới đây cho thấy vai trò rất quan trọng của họ. Rõ ràng khi thương lái rút khỏi thị trường đã ảnh hưởng rất nhiều tới khâu lưu thông tiêu thụ hàng hóa.

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư cũng cho thấy ách tắc khâu lưu thông, áp dụng chồng chéo các quy định ở mỗi địa phương khác nhau cũng gây ra rất nhiều hệ lụy và thiệt hại lớn về kinh tế khi nông sản bị ùn ứ, sản xuất bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng từ 30-40% nhưng phải chịu chi phí cao. Bên cạnh đó, là tình trạng khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh, nhất là tôm nguyên liệu.

“Nếu tình trạng này không được cải thiện, đứt gẫy chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản là rất lớn và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn”, ông Luận nói.

*Cần thêm lực đẩy chính sách

Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh cũng đã làm việc với các huyện, thị nhằm xem xét, đánh giá để tổ chức sản xuất. Qua đó, tỉnh nhận thấy cần có chương trình hỗ trợ cho bà con khôi phục sản xuất.

“Xác định nông nghiệp là trụ đỡ thì cần tăng cường các chính sách hỗ trợ cho bà con và sớm triển khai các chính sách này. Hiện các chính sách hỗ trợ chưa nhiều. Mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiến nghị chính sách hỗ trợ cho bà con phục hồi sản xuất”, ông Lê Hữu Toàn bày tỏ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nếu thời gian vừa qua làm chúng ta “hụt hơi, bị tụt lại” thì sau khi có vaccine, có các chính sách hỗ trợ tốc độ sẽ phải tăng lên gấp từ 2-3 lần so với bình thường.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần tư duy lại không gian phát triển, kiến tạo không gian phát triển kinh tế. Chuyển từ phát triển theo từng địa giới hành chính sang phát triển dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng.

t1-dinh-1633102633.jpegNông nghiệp cần tăng tốc độ phát triển trong thời gian tới

“Những địa phương có các điều kiện, đặc điểm tương đồng cần hướng đến liên kết liên vùng, liên khu vực trong không gian mở như một thực thể kinh tế hoàn chỉnh. Đây là điểm phải thay đổi. Nếu chúng ta không thay đổi thì việc phục hồi có thể đến sớm hay muộn nhưng quan trọng là tạo sự bền vững, tạo ra giá trị", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, cần xây dựng không gian phát triển hài hòa, gắn kết tam giác phát triển là “Nhà nước, thị trường và xã hội”. Những kiến tạo cho sự phát triển đó phải phù hợp với tam giác phát triển này, có sự hòa hợp để tạo ra không gian phát triển.

“Nếu nông nghiệp tăng trưởng trên giá trị đơn ngành thì cần tích hợp dựa trên sự phát triển đa ngành, đa giá trị. Việc tìm kiếm mô hình mới để phát triển đa ngành, đa giá trị sẽ là câu chuyện của nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Không gian phát triển, tích hợp đa giá trị để thay đổi cái cũ, để vừa phục hồi vừa có mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đặt ra không ít khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp thay đổi để thích ứng. Có thể nhận thấy những thay đổi lớn trong phương thức sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương như vụ vải thắng lợi lớn tại Bắc Giang. Mặc dù thu hoạch trong lúc đang là điểm nóng về dịch COVID-19 của cả nước nhưng nhờ sự nhạy bén, tổ chức tiêu thụ bài bản nên đã giải quyết tốt việc “được mùa, được giá”.

Việc triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp cũng góp phần quan trọng trong việc giải quyết khâu tiêu thụ nông sản ở các địa phương. Một số tỉnh, thành như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La… cũng đã tìm được đường xuất khẩu nông sản sang các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Mỹ, Australia…

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, như tạo thêm việc làm từ sơ chế nông lâm thủy sản, phát triển sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… để phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn thời gian tới phát triển được hệ thống hạ tầng logistics cho nông thôn. Bởi, trong đại dịch vừa qua đã cho thấy lỗ hổng lớn, đó là thiếu các xưởng sơ chế nhỏ, bảo quản nhỏ… để bà con có thể tiêu thụ nội địa, dự trữ hàng hóa. Có như vậy, nông dân sẽ không phải sống nhờ vào số lượng sản xuất ra mà là thu nhập từ chuỗi ngành hàng./.

Hoàng Tùng – Bích Hồng

Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/tru-do-nong-nghiep-van-can-them-tro-luc-a185.html