Trước đó, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thi công xây lắp. Nhiều tỉnh, thành phố và địa bàn cấp huyện, xã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg cùng nhiều quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch Covid-19 nên công tác triển khai dự án tại hiện trường khó khăn, nhiều hạng mục công trình phải tạm đình hoãn.
Ban Quản lý dự án án đường sắt cho biết đã chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ nhằm triển khai trở lại, đảm bảo tất cả các công trình hoàn thành đúng tiến độ, an toàn phòng dịch. Trong đó có lập biện pháp và kế hoạch thi công trong mùa dịch đối với từng mũi thi công, từng hạng mục công trình; bố trí nhân sự thi công, giám sát đảm bảo không để dừng thi công do thiếu nhân lực; có biện pháp để các nhân sự tham gia tại hiện trường được tiêm vaccine..
Thông tin cụ thể về tiến độ của dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, đối với hạng mục cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh hiện đã hoàn thành được 4/11 gói thầu xây lắp gồm: XL-CY-01, 02, 03 và 06. Các gói thầu còn lại cũng hoàn thành một số công trình cầu và trả tốc độ khu gian.
Tổng số cầu của cả dự án đã hoàn thành và trả tốc độ lên tới 72/127 cầu. Trong đó, có 54 cầu hoàn thành toàn bộ, 18 cầu đã hoàn thành sàng dầm vào vị trí thiết kế, trả tốc độ khu gian, đang hoàn thiện và thanh thải. Hạn mục này đã giải ngân được hơn 888 tỷ đồng (không bao gồm dự phòng), đạt 55,8%; trong đó phần xây lắp giải ngân hơn 803 tỷ đồng đạt hơn 54,3%.
Đối với hạng mục cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, đang triển khai thi công 15/16 ga; Hiện đã hoàn thành cải tạo kiến trúc tầng trên 12/15 khu gian để trả tốc độ với chiều dài 64,98km/75,85km, 3 khu gian còn lại với chiều dài 10,87km đang thi công theo tiến độ. Giá trị giải ngân các gói thầu xây lắp từ đầu dự án đến nay đã đạt hơn 573 tỷ đồng đạt 41% tổng mức đầu tư.
Đại diện Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) - chủ đầu tư dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dự án cũng gặp phải nhiều khó khăn trong triển khai tại hiện trường do ảnh hưởng dịch bệnh. Tuy vậy, đến nay, tổng giá trị thực hiện của dự án đã đạt khoảng 72% so với tổng giá trị hợp đồng xây lắp đã ký. Kết quả giải ngân tính từ đầu dự án đến nay hơn 736 tỷ đồng đạt 73,2%.
Tại cuộc kiểm tra hiện trường dự án mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát thực hiện ngay các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án cũng như đáp ứng kế hoạch giải ngân vốn năm 2021.
"Các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng đối với các hạng mục công trình hoàn thành. Đối với các hạng mục còn lại, lập tổng tiến độ và xác định rõ từng hạng mục đường găng để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Tiến độ xây dựng phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế", Thứ trưởng yêu cầu", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam gồm 4 dự án cấp bách.
Trong đó, Ban Quản lý dự án đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 3 dự án: Cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.
Ban Quản lý dự án 85 được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư một dự án: Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.
Mục tiêu nhằm nâng nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h; Từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần./.
Tạ Quang Toàn
Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/du-an-cai-tao-nang-cap-duong-sat-bac-nam-tang-toc-thi-cong-bu-tien-do-a14.html