Đáng lưu ý, từ năm 2018 trở lại đây, EU không khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà chỉ tiến hành rà soát các vụ việc trước đây.
Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, các mặt hàng EU điều tra tương đối đa dạng bao gồm giày dép, sản phẩm thép đèn huỳnh quang, vòng khuyên kim loại, bật lửa gia.
Đặc biệt, mặc dù dịch COVID-19 kéo dài đã tác động không nhỏ tới các quốc gia nhưng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 35,1 tỷ USD, chiếm 14,43% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tại thị trường EU, hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều thứ 3 với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ sau Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại bao gồm 8 vụ điều tra chống bán phá giá, 6 vụ điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, 9 vụ điều tra tự vệ. Năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra 2 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra rằng, hầu hết các mặt hàng bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chủ yếu là cá sản phẩm thép, sợi, ngoài ra còn có một số sản phẩm khác như săm lốp xe đạp, dây cu roa, điện thoại.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đạt hơn 980,6 triệu USD, chiếm 0,35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; trong đó kim ngạch bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện phòng vệ thương mại khởi xướng mới hoặc rà soát 2020 khoảng 40 triệu USD.
Để thực thi các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BCT hướng dẫn thực hiện một số nội dung về phòng vệ thương mại theo Hiệp định này.
Thông tư gồm 4 chương, 11 điều hướng dẫn việc xem xét lợi ích kinh tế, xã hội và áp dụng quy tắc thuế thấp hơn trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp; đồng thời quy định về điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong trường hợp hàng hóa nhật khẩu từ các quốc gia thành viên EU vào Việt Nam gia tăng đột biến do kết quả của việc giảm thuế theo Hiệp định EVFTA, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh triển khai hệ thống cảnh báo sớm theo Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệt thương mại”; Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ” cũng như đưa ra các giải pháp, phương án tư vấn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, rong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cùng với việc hàng xuất khẩu của Việt Nam đang rộng mở cơ hội vào châu Âu sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực nhưng đi kèm là nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại từ thị trường này cũng sẽ rất lớn.
Vì vậy, theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, để bảo vệ lợi ích cho hàng xuất khẩu Việt Nam, các hoạt động cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá từ thị trường EU với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được Cục Phòng vệ thương mại quan tâm và đẩy mạnh.
Cùng với đó, Cục sẽ tiếp tục theo dõi và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là ngăn chặn tình trạng lẩn tránh các biện pháp này; tăng cường theo dõi, nghiên cứu và phân tích thay đổi chính sách, pháp luật và thông lệ điều tra của các đối tác, thị trường trọng điểm là EU.
Theo ông Lê Triệu Dũng, trong kế hoạch các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh phải tận dụng triệt để, hiệu quả các Hiệp định; trong đó có EVFTA để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu; đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường.
Đặc biệt, chủ trương mà Bộ Công Thương đề ra đó là thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế để triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại; nhất là củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025… cũng như tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam./.
Nguyễn Uyên Hương
Link nội dung: https://en.doanhnghiepkinhtexanh.vn/bao-ve-loi-ich-hang-hoa-xuat-khau-tai-thi-truong-eu-a104.html